1. Tuyến giáp là gì
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, hình cánh bướm, thường nằm ở phía trước, dưới của cổ. Chức năng của tuyến giáp là tổng hợp hóc môn giáp trạng, tiết vào máu và đến các mô trong cơ thể. Hormone tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng, giữ ấm, giúp não, tim, cơ và các cơ quan khác hoạt động ổn định.
Trong 18 - 20 tuần đầu của thai kỳ, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của mẹ. Vào giữa thai kỳ, tuyến giáp của trẻ bắt đầu tự sản xuất hormone. Tuy nhiên, sự sản xuất hormone tuyến giáp ở thai nhi vẫn phụ thuộc và lượng I-ốt mẹ cung cấp. Tổ chức WHO khuyến cáo phụ nữ mang thai cần tiêu thụ 250 µg/ngày để duy trì chức năng tuyến giáp bình thường.
2. Những thay đổi thường gặp của tuyến giáp trong thời kỳ mang thai
a. Thay đổi hormon
Một thai kỳ bình thường là kết quả của một số thay đổi quan trọng về sinh lý và hormone dẫn đến thay đổi chức năng tuyến giáp. Những thay đổi này có nghĩa là kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp phải được đọc một cách thận trọng trong thai kỳ. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp thay đổi trong quá trình mang thai là do ảnh hưởng của 2 hormone chính: hCG (một loại hormone được đo trong test thử thai) và estrogen (hormon sinh dục chính của nữ). hCG có thể kích thích nhẹ chức năng tuyến giáp và nồng độ hCG cao trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể làm giảm nhẹ TSH. TSH có thể giảm nhẹ trong 3 tháng đầu thai kỳ và trở về bình thường trong quá trình còn lại. Estrogen làm tăng hormone tuyến giáp gắn protein do đó làm tăng hormone giáp toàn phần khi >99% hormone tuyến giáp trong máu được vận chuyển bởi protein. Tuy nhiên FT3/FT4 thường vẫn bình thường.
b. Thay đổi kích thước
Tuyến giáp có thể tăng kích thước trong quá tình mang thai. Tuy nhiên, bướu giáp liên quan đến thai kỳ thường gặp hơn ở những khu vực thiếu hụt I-ốt trên thế giới, ít gặp ở Mỹ. Tuyến giáp thường chỉ tăng kích thước khoảng 10-15% và khó phát hiện khi khám lâm sàng
3. Giá trị các chỉ số của chức năng tuyến giáp
Trong trường hợp không có giá trị bình thường cho từng quần thể dân số và ba tháng cụ thể trong quá trình mang thai, ATA khuyến cáo:
Tuần 7 đến 12: giảm giới hạn dưới của mức TSH bình thường xuống ~0,4 mU/L và giới hạn trên xuống 0,5 mU/L (tương đương với mức TSH 0,1 – 4 mU/L).
Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối: nên có sự tăng dần TSH về lại giá trị bình thường.
Giới hạn trên của nồng độ T4 toàn phần tăng ~5% mỗi tuần, bắt đầu từ tuần thứ 7. Vào khoảng tuần thứ 16, T3 và T4 toàn phần sẽ cao hơn 1.5 lần so với phụ nữ không mang thai (do TBG dư thừa).
Xét nghiệm |
Không mang thai |
3 tháng đầu |
3 tháng giữa |
3 tháng cuối |
TSH (mUI/L) |
0,3 – 4,3 |
0,1 – 2,5 |
0,2 – 3,0 |
0,3 – 3,0 |
TBD (mg/L) |
1,3 – 3,0 |
1,8 – 3,2 |
2,8 – 4,0 |
2,6 – 4,2 |
FT4 (ng/dL) |
0,8 – 1,7 |
0,8 – 1,2 |
0,6 – 1,0 |
0,5 – 0,8 |
T4 (µg/dL) |
5,4 – 11,7 |
6,5 – 10,1 |
7,5 – 10,3 |
6,3 – 9,7 |
FT3 (pg/mL) |
2,4 – 4,2 |
4,1 – 4,4 |
4,0 – 4,2 |
|
T3 (ng/dL) |
77 - 135 |
97 - 149 |
117 - 169 |
123 - 162 |
Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, phòng khám Sản khoa luôn tư vấn, thăm khám và tầm soát đối với các mẹ bầu. Bên cạnh đó, Khoa Phụ Sản đã phối hợp cùng Khoa Nội tổng quát thăm khám và điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân bị các bệnh lý nội khoa như huyết áp, đái tháo đường, tuyến giáp trong thai kỳ.
ThS BSNT Trần Thị Vân Anh - Trưởng Khoa Nội