NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG ĐÔNG PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT KHI SỬ DỤNG THUỐC CHỐNG ĐÔNG PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ

Thuốc kháng đông được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ trung bình hoặc cao, bệnh nhân có van tim nhân tạo đặc biêt là van cơ học, bệnh lý van hai lá. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt trong huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi. Vì vậy khi sử dụng kháng đông cần biết những điều sau:

Tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ

Người bệnh cần uống thuốc đều đặn, đúng liều lượng vào thời điểm cố định trong ngày. Tuyệt đối không được ngưng sử dụng thuốc đột ngột vì bất cứ lý do gì khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Uống thuốc đúng giờ theo chỉ định của bác sĩ

Nếu quên liều thuốc:

  • Nếu quên < 8 giờ, uống liều bị bỏ quên ngay khi nhớ.
  • Nếu quên > 8 giờ, bỏ qua liều đã quên, dùng liều tiếp theo vào giờ dự kiến thông thường.
  • Không uống gấp đôi liều để bù cho liều thuốc đã quên.
  • Nếu quên liên tiếp 2 liều nên hỏi ý kiến bác sĩ. 

Người bệnh nên nhớ tái khám thường xuyên theo đúng hẹn của bác sĩ

Theo dõi tác dụng phụ của thuốc kháng đông

Người bệnh cần theo dõi các triệu chứng chảy máu có thể gặp của thuốc kháng đông và tái khám ngay nếu có các dấu hiệu sau: nôn ra máu, đi cầu phân đen sệt hoặc lẫn máu, ho ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu mũi,nước tiểu có máu, màu đỏ, nâu hoặc hồng,  bầm tím dưới da thường xuyên,  chảy máu trong chu kì kinh nguyệt nhiều và kéo dài hơn bình thường, chảy máu không cầm được ở vết thương, đau bụng, chóng mặt hoặc đau đầu dữ dội, yếu liệt nửa người …

Tránh các hoạt động có nguy cơ chảy máu

Cần tránh các hoạt động mạnh hoặc các môn thể thao mạnh, có nguy cơ chấn thương và chảy máu, nên chơi các môn thể thao an toàn như đi bộ, chạy bộ, bơi lội… Lập tức đi khám ngay khi bị chấn thương, ngã, tai nạn, đặc biệt là tai nạn vùng đầu, và thông báo với nhân viên y tế rằng người bệnh có dùng thuốc kháng đông. Cẩn thận khi sử dụng các vật sắc nhọn như dao, kéo hoặc khi cắt móng tay, móng chân.

Vệ sinh răng miệng

Người bệnh cần chăm sóc răng miệng cẩn thận, nên dùng bàn chải mềm, dao cạo râu điện, chỉ nha khoa; không dùng tăm xỉa răng để tránh chảy máu vùng răng miệng, luôn thông báo cho nhân viên y tế rằng bạn đang dùng thuốc kháng đông khi khám bệnh, nhổ răng, phẫu thuật hoặc làm bất cứ thủ thuật nhỏ nào.

Khi sử dụng đồng thời các thuốc khác

Nhiều loại thuốc có thể ảnh hưởng tới tác dụng của thuốc kháng đông, khi được các bác sĩ khác kê đơn những thuốc điều trị các bệnh lý khác, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết mình đang sử dụng thuốc kháng đông để bác sĩ lựa chọn thuốc phù hợp và tránh tương tác với thuốc kháng đông. Người bệnh không nên tự ý uống hoặc ngưng bất cứ loại thuốc nào khác khi chưa có ý kiến bác sĩ.

Thực hiện chế độ ăn uống phù hợp

Nếu đang sử dụng thuốc kháng vitamin K (warfarin, acenocoumarol), người bệnh nên ăn ở mức độ vừa phải thực phẩm chứa nhiều vitamin K bởi vì vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc kháng đông.

Các thực phẩm giàu vitamin K gồm các loại rau xanh, củ quả có nhiều màu xanh (như rau dền, cải lá xoăn, rau bó xôi, rau xà lách xanh, ngò tây, rau diếp cá, rau muống, rau lang, măng tây, cải thảo, súp lơ xanh, đậu bắp, đậu Hà Lan, hành…), gia vị, rau thơm (kinh giới, bạc hà, húng tây, húng quế, cần tây, rau mùi), đậu nành, bơ, gan (bò, heo, gà) …

Nhóm thực phẩm giàu vitamin K

Các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới (Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban) không bị ảnh hưởng bởi các thực phẩm chứa nhiều vitamin K.

Cần tiết chế uống rượu bia nếu đang sử dụng thuốc kháng đông.

Xét nghiệm máu theo dõi hiệu lực kháng đông

Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc kháng vitamin K, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm INR (International Normalized Ratio) định kỳ hàng tháng để biết rằng thuốc kháng đông đang sử dụng có hiệu lực hay không. Bác sĩ sẽ tư vấn khoảng INR cho phép đối với từng bệnh để đảm bảo thuốc kháng vitamin K có hiệu quả và an toàn. Người bệnh cần liên hệ với bác sĩ ngay nếu chỉ số INR nằm ngoài khoảng cho phép và có sổ theo dõi ghi chép liều lượng thuốc và ngày thử INR.

Nếu người bệnh sử dụng các thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới (Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban) thì điều thuận tiện là không cần theo dõi thường xuyên chỉ số INR do các thuốc này có hiệu quả kháng đông ổn định và an toàn.

Lưu ý về các bệnh đồng mắc

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ các bệnh đồng mắc như bệnh gan, bệnh thận vì thuốc kháng đông không được khuyến cáo trong trường hợp suy gan nặng, suy thận nặng cũng như để bác sĩ chọn lựa thuốc kháng đông và liều lượng phù hợp ở những đối tượng được sử dụng.

Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú

Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên sử dụng một biện pháp tránh thai hiệu quả khi điều trị bằng các thuốc kháng đông. Cần thông báo ngay với bác sĩ về việc mang thai, cho con bú hoặc có nguyện vọng mang thai khi đang điều trị để có những thay đổi phù hợp nhằm giảm nguy cơ dị tật cho thai nhi và không tự ý ngừng thuốc khi không có ý kiến của bác sĩ. Trong suốt thai kỳ, người bệnh cần khám và theo dõi chặt chẽ bởi bác sĩ tim mạch và bác sĩ sản phụ khoa để phối hợp điều trị.

Vì vậy, thuốc kháng đông đường uống đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ và tắc mạch ngoại biên ở bệnh nhân rung nhĩ  và một số bệnh lý khác. Thuốc này cần được sử dụng lâu dài, tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ và tránh ngưng thuốc đột ngột dẫn đến biến cố đột quỵ, tắc mạch ngoại biên và thậm chí tử vong ./.

BS CKII Nguyễn Thị Tuyết - Bác sĩ chuyên khoa Nội

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN