HẠ ĐƯỜNG HUYẾT VÀ CÁC ĐIỀU CẦN BIẾT

HẠ ĐƯỜNG HUYẾT VÀ CÁC ĐIỀU CẦN BIẾT

1. Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng xảy ra khi nồng độ đường trong máu quá thấp, dưới 3,9 mmol/l (<70mg/dl) dẫn tới cơ thể bị thiếu hụt glucose cho các hoạt động, gây nên các rối loạn cho cơ thể.

2. Nguyên nhân gây hạ đường huyết

  • Do insuline và thuốc hạ đường huyết đường uống

Hạ đường huyết là thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường điều trị bằng insuline, do bệnh nhân: tiêm quá liều insuline, ăn quá muộn, ăn ít, bỏ bữa, hoạt động gắng sức… Có thể xảy ra trên bệnh nhân điều trị băng thuốc hạ đường huyết dạng uống nhưng ít xảy ra hơn bệnh nhân dùng insuline tiêm.

  • Mắc một số bệnh như viêm gan nặng, xơ gan, nhiễm trùng nặng, bệnh thận, bệnh tim tiến triển xấu cũng có thể gây hạ đường huyết.
  • Một số nguyên nhân khác như: uống nhiều rượu, nhịn đói quá lâu, khối u ở tuỵ gây tiết quá nhiều insuline, tình trạng hạ đường huyết sau ăn thường gặp ở người đã phẫu thuật cắt dạ dày…

3. Biểu hiện

Một số biểu hiện đầu tiên khi người bệnh bị hạ đường huyết

Biểu hiện đầu tiên khi người bệnh bị hạ đường huyết là tim đập nhanh, vã mồ hôi, da tái, buồn nôn, tê má/lưỡi. Nếu đường huyết tiếp tục giảm do không nhận biết và xử trí kịp thời, người bệnh sẽ có triệu chứng mờ mắt, buồn ngủ, nói lắp, co giật, thậm chí hôn mê và tử vong.

4. Làm gì khi bản thân/ người nhà bị hạ đường huyết

Khi có các triệu chứng hạ đường huyết, người bệnh cần ngưng sử dụng ngay các thuốc hạ đường huyết và insuline.

Nếu người bệnh còn tỉnh táo, cần cho người bệnh uống ngay nước đường hoặc sữa ngọt, hoặc các loại thức ăn ngọt như bánh ngọt ( ưu tiên bất cứ thứ gì có sẵn và ở gần nhất có thể).

Nếu phát hiện người bệnh đã ở tình trạng hôn mê, thì không thể nuốt được, nếu cố gắng đút ăn hoặc uống có thể làm tình trạng người bệnh xấu đi do bị sặc thức ăn và nguóc uống vào đường thở. Lúc này, nên đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất và khai báo rõ ràng với bác sĩ về tình trạng bệnh đái tháo đường của người bệnh và loại thuốc, liều lượng thuốc/insuline người bệnh đang sử dụng.

V. Phòng ngừa hạ đường huyết

Hạ đường huyết là một cấp cứu nội khoa, dễ gặp và tiến triển nhanh. Nhưng người bệnh và người nhà có thể phòng tránh bằng một số biện pháp đơn giản như sau:

  • Xây dựng chế độ ăn hợp lý, đầy đủ năng lượng cho các hoạt động trong ngày, có thể ăn nhẹ giữa các bữa ăn nếu hoạt động thể lực nặng hơn bình thường.
  • Thường xuyên kiểm tra đường huyết và tuân thủ chế độ điều trị của bác sĩ về liều lượng thuốc và cách dùng, thời gian của các bữa ăn đối với thời gian dùng thuốc.
  • Không để bản thân quá đói, ăn thêm bữa phụ nếu có các dấu hiệu sớm của bệnh ( đói, run tay chân, vã mồ hôi…)
  • Đặc biệt đối với người bệnh đái tháo đường thì cần kiêng thức ăn ngọt nhưng phải luôn trữ sẵn bên người một vài món ăn, thức uống ngọt như bánh ngọt, kẹo, sữa, sô cô la… để sử dụng ngay khi có dâu hiệu của hạ đường huyết.

Người mới phát hiện đái tháo đường nên tuân thủ y lệnh của bác sĩ, không nên quá lo lắng, hoang mang mà điều trị ở nhiều nơi cùng lúc dẫn đến chỉnh liều thuốc không hợp lý, tốn thời gian, tiêu tốn vật chất. Người bệnh cũng không nên quá chủ quan mà dẫn đến tình trạng bệnh tiến triển xấu đi nhanh hơn không đáng có. Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, chúng tôi có bác sĩ nội khoa, chuyên khoa Nội tiết, giàu kinh nghiệm trong điều trị về Đái tháo đường, cấp cứu hạ đường huyết và các bệnh nội khoa khác. Đến với bệnh viện, bạn sẽ an tâm điều trị cho bản thân và người nhà tốt nhất có thể!

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN