VAI TRÒ CỦA THUỐC CHỐNG ĐÔNG TRONG PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ

VAI TRÒ CỦA THUỐC CHỐNG ĐÔNG TRONG PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ

1. Những trường hợp nào cần sử dụng thuốc kháng đông

Thuốc kháng đông được sử dụng để ngăn ngừa đột quỵ ở những bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ trung bình hoặc cao, bệnh nhân có van tim nhân tạo đặc biệt là van cơ học, bệnh lý van hai lá. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để ngăn ngừa và điều trị huyết khối tĩnh mạch, đặc biệt trong huyết khối tĩnh mạch sâu và nghẽn mạch phổi.

2. Rung nhĩ và nguy cơ đột quỵ

Rung nhĩ là rối loạn nhịp thường gặp nhất trong cộng đồng, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, nguy cơ đột quỵ cao ở người trên 65 tuổi.

Khi bị rung nhĩ, tâm nhĩ đập quá nhanh, nên bơm máu không hiệu quả dẫn đến máu bị ứ trệ lại trong các buồng nhĩ, dễ có khuynh hướng tạo thành cục máu đông. Nếu cục máu đông vỡ ra, trôi theo dòng máu và đi đến não có thể làm tắc động mạch não gây ra đột quỵ.

Người bệnh bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không mắc rối loạn nhịp này.    

3. Vai trò của thuốc kháng đông trong phòng ngừa đột quỵ

Thuốc kháng đông còn gọi là thuốc làm loãng máu, ngăn chặn quá trình hình thành cục máu đông. Giảm nguy cơ nhồi máu não và các biến chứng về tim mạch và chi. Đối với những người phục hồi sau đột quỵ, sử dụng thuốc kháng đông giảm đến 70% nguy cơ tái phát.

Thuốc kháng đông gồm có các loại đường tiêm và đường uống. Thuốc kháng đông đường tiêm (heparin) chỉ được sử dụng ngắn hạn trong điều trị nội trú tại bệnh viện, các thuốc kháng đông đường uống được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân sử dụng dài hạn để phòng ngừa đột quỵ và huyết khối.Thuốc kháng đông đường uống có 2 loại:

  • Thuốc kháng vitamin K: được sử dụng từ những năm 1930 gồm; Sintrom (Acenocoumarol) và Coumadin (warfarin), tác dụng chống đông thông qua việc ức chế sự tổng hợp các yếu tố đông máu phụ thuộc vitamin K (gồm yếu tố II, VII, IX và X) trong gan.
  • Các thuốc kháng đông thế hệ mới (ức chế trực tiếp Thrombin, thuốc ức chế yếu tố Xa) như Rivaroxaban, Dabigatran, Apixaban và Edoxaban, được sử dụng rộng rãi hơn thuốc kháng vitamin K ở các bệnh nhân không có hẹp van hai lá trung bình đến nặng hoặc không có van tim nhân tạo cơ học vì có nhiều ưu điểm: hiệu quả phòng ngừa đột quỵ và tắc mạch ngoại biên tương đương hoặc ưu việt hơn thuốc kháng vitamin K, khởi phát tác dụng nhanh, không cần theo dõi thời gian đông máu một cách thường xuyên, ít tác dụng phụ chảy máu, ít tương tác với thức ăn và ít tương tác với các thuốc khác. Hạn chế: Giá thành cao, chưa có thuốc giải độc đặc hiệu.  

Vì vậy, thuốc kháng đông đường uống đóng vai trò quan trọng trong phòng ngừa đột quỵ và tắc mạch ngoại biên ở bệnh nhân rung nhĩ và một số bệnh lý khác. Thuốc này cần được sử dụng lâu dài, tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ và tránh ngưng thuốc đột ngột dẫn đến biến cố đột quỵ, tắc mạch ngoại biên và thậm chí tử vong.

BS CKII. Nguyễn Thị Tuyết

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN