1. Tổng quan
Viêm gan là tình trạng viêm nhiễm tại gan do các tác nhân virus viêm gan hoặc tác nhân không do virus dẫn đến hàng loạt các vấn đề sức khoẻ ở con người và có thể đưa đến tử vong.
Có 5 tác nhân chính virus gây viêm gan: Virus viêm gan A,B,C,D và E. Các virus viêm gan có những đặc điểm khác nhau về phương thức lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, phân bố địa lý và biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt virus viêm gan B và C dẫn đến bệnh gan mạn tính ở hàng trăm triệu người và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất gây xơ gan, ung thư gan và tử vong. Ước tính có khoảng 354 triệu người trên toàn thế giới sống chung với virus viêm gan B và C nhưng hầu hết họ không được xét nghiệm và điều trị.
Viêm gan do virus có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Một nghiên cứu của WHO cho thấy khoảng 4,5 triệu ca tử vong sớm có thể được ngăn ngừa ở các nước thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm, điều trị và chiến dịch giáo dục người dân. Chiến lược viêm gan toàn cầu của WHO được tất cả các quốc gia thành viên của WHO tán thành nhằm hướng đến đích giảm 90% ca bệnh mới và 65% số ca tử vong từ năm 2016 đến năm 2030.
2. Triệu chứng
Đa số những người mắc bệnh viêm gan siêu vi A,B,C,D hay E chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hay không có triệu chứng nào cả. Tuy nhiên tuỳ vào mỗi loại virus viêm gan có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng khác nhau.
Triệu chứng của viêm gan siêu vi A,B và C có thể bao gồm: Sốt, mỏi mệt, chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, khó chịu ở bụng, nước tiểu đậm màu và vàng da (vàng da và vàng mắt). Trong vài trường hợp có thể gây viêm gan mạn tính và về sau dẫn đến xơ gan hay ung thư gan, những bệnh nhân này có nguy cơ tử vong cao.
Viêm gan siêu vi D (HDV) chỉ được tìm thấy ở những người nhiễm virus viêm gan B (HBV), tuy nhiên đồng nhiễm HBV và HDV có thể gây ra bệnh cảnh nghiêm trọng hơn và hậu quả tồi tệ hơn, tiến triển nhanh chóng đến xơ gan. Sự phát triển của viêm gan D mạn là hiếm gặp.
Viêm gan siêu vi E (HEV) khởi đầu với sốt nhẹ,giảm cảm giác thèm ăn, buồn nôn và nôn kéo dài vài ngày, một số bệnh nhân có đau bụng, ngứa, phát ban ngoài da hay đau khớp, có thể có biểu hiện vàng da, nước tiểu sậm màu, phân bạt màu và gan lớn nhẹ, mềm, đôi khi biểu hiện suy gan cấp.
3. Phòng ngừa và điều trị
Tiêm chủng vắc xin là an toàn và hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa virus viêm gan B (HBV), vắc xin này cũng ngăn ngừa sự phát triển của virus viêm gan D (HDV) và được tiêm ở em bé ngay sau sinh làm giảm mạnh nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Nhiễm virus viêm gan B mạn có thể điều trị bằng thuốc kháng virus. Điều trị nhằm làm chậm sự tiến triển đến xơ gan, giảm tỉ lệ ung thư gan và cải thiện khả năng sống lâu dài.
Tiêm chủng virus viêm gan E (HEV) không được phổ biến rộng rãi. Không có điều trị đặc hiệu đối với viêm gan E.
Nên tránh các loại thuốc không cần thiết do ảnh hưởng không tốt đến chức năng gan do các bệnh nhiễm trùng này gây ra.
Virus viêm gan C (HCV) có thể gây viêm gan cấp và mạn tính. Một số trường hợp tự hồi phục trong khi một số khác bị de doạ tính mạng bởi các biến chứng khác bao gồm xơ gan và ung thư gan. Chưa có vắc xin ngừa viêm gan C. Thuốc kháng virus cứu chữa hơn 95% những người nhiễm virus viêm gan C từ đó làm giảm nguy cơ tử vong từ xơ gan và ung thư gan, nhưng số bệnh nhân được tiếp cận chẩn đoán và điều trị còn hạn chế.
Virus viêm gan A (HAV) là thường gặp nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình do giảm khả năng tiếp cận với các nguồn nước sạch và tăng nguy cơ từ thực phẩm ô nhiễm. Đã có vắc xin hiệu quả và an toàn để ngăn ngừa nhiễm virus viêm gan A. Hầu hết nhiễm HAV biểu hiện nhẹ với phần lớn hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên đôi khi nhiễm HAV cũng có thể gây bệnh cảnh nghiêm trọng và đe doạ tính mạng do nguy cơ suy gan.
Nguồn: Tổ chức y tế thế giới (WHO) 13/6/2023.
BS CKI Trần Ngọc Hưng - Trưởng Khoa Khám Bệnh