LƯU Ý CHĂM SÓC BỆNH LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG SAU KHI XUẤT VIỆN

LƯU Ý CHĂM SÓC BỆNH LOÉT DẠ DÀY – TÁ TRÀNG SAU KHI XUẤT VIỆN

1. Tổng quan

Viêm loét dạ dày – tá tràng là căn bệnh gây tổn thương viêm và loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng (phần đầu của ruột non). Những tổn thương này xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày hay tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hay ruột sẽ lộ ra. Vết loét ở tá tràng chiếm 95%, vết loét ở dạ dày chiếm 60% trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ dạ dày chiếm 25% các trường hợp.

Nguyên nhân: Nhiễm H.pylory, các thuốc kháng viêm non-steroid là nguyên nhân phổ biến của loét dạ dày tá tràng.

Yếu tố thuận lợi: Thường xuyên dùng thuốc lá, bia rượu, đồ uống có cồn, nước uống có gas, căng thẳng, stress, thói quen ăn uống – sinh hoạt không điều độ.

2. Người bệnh cần biết

Hầu hết các trường hợp loét dạ dày – tá tràng liền ổ loét sau 8 tuần điều trị, một số ít không liền được xem như là kháng thuốc hay loét dai dẳng. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: Xuất huyết tiêu hoá trên do loét dạ dày – tá tràng, thủng dạ dày – tá tràng, rò các tạng xung quanh, hẹp môn vị… Người bệnh nên lưu ý các điểm dưới đây để chăm sóc đạt hiệu quả cao sau khi xuất viện:

  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng:

- Có chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng giàu trái cây, đầy đủ các loại vitamin, đặc biệt là vitamin A và vitamin C, ăn nhiều rau và ngũ cốc nguyên hạt.

- Chia nhỏ bữa ăn lớn thành các bữa nhỏ trong ngày.

- Không lạm dụng đồ uống có cồn, các đồ uống có gas và caffein ( cà phê, một số loại socola và soda).

- Không dùng các thức ăn chua, cay, nhiều gia vị gây kích thích dạ dày.

- Hạn chế uống sữa: Sữa ban đầu làm giảm cơn đau, nhưng sau đó gây ra acid dư thừa làm tăng cơn đau.

  • Thay đổi lối sống:

- Stress có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng của dạ dày. Giảm stress bằng nhiều cách như: tập thể dục, nghe nhạc, dành thời gian cho bạn bè, gia đình, viết nhật ký, sử dụng các liệu pháp giảm căng thẳng.

- Bỏ thuốc lá, không sử dụng rượu bia: Thuốc lá và rượu bia gây tăng kích ứng dạ dày, tăng nguy cơ phát triển ổ loét cũng như làm chậm thời gian lành ổ loét.

- Ngủ đủ giấc: giấc ngủ đầy đủ tốt cho hệ miễn dịch và cũng giúp giảm bớt stress cho cơ thể.

  • Thận trọng khi sử dụng thuốc và các chế phẩm:

- Hạn chế sử dụng thuốc giảm đau vì tăng nguy cơ loét dạ dày – tá tràng. Nếu thực sự cần thiết, hãy dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và dùng sau bữa ăn.

- Nếu bệnh nhân đang điều trị nhiễm vi khuẩn H.pylory, nên dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều, đúng giờ, đầy đủ. Dùng không đúng sẽ gây thất bại điều trị, kháng thuốc và khó điều trị hơn.

  • Các dấu hiệu nguy hiểm cần phải đến bệnh viện ngay:

- Cơn đau bụng tăng nhiều bất thường.

- Nôn ra máu/ dịch có màu cà phê.

- Đi cầu phân đen.

- Mệt, vã mồ hôi, xây xẩm, bàn tay bàn chân trắng bệch.

Bệnh nhân loét dạ dày – tá tràng cần tuân thủ tốt phác đồ điều trị của bác sĩ và các chế độ chăm sóc để giúp mau lành ổ loét, tránh các biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khoẻ, kéo dài điều trị tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình!

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN