LOÃNG XƯƠNG

LOÃNG XƯƠNG

Loãng xương là một vấn đề về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu, hậu quả của loãng xương ảnh hưởng lớn đến thể chất, tâm thần xã hội và kinh tế. Tuy có nhiều tiến bộ trong điều trị loãng xương trong vòng 25 năm lại đây, việc tầm soát, chẩn đoán và điều trị bệnh loãng xương, nhất là với nhóm nguy cơ như phụ nữ sau mãn kinh và người cao tuổi vẫn chưa được lưu ý đúng mức. Ước tính toàn thế giới có trên 200 triệu người bị loãng xương. Vào năm 2012, gần 12 triệu người Mỹ >50 tuổi bị loãng xương; cứ 1 trong 2 phụ nữ ≥65 (25% bị biến dạng cột sống và 15% bị gãy cổ xương đùi) và 1 trong 5 nam giới ≥70 tuổi bị gãy xương liên quan đến loãng xương. Nguy cơ gãy xương trong 10 năm ở phụ nữ trong độ tuổi 65 là 9.3%.

Khối lượng xương đạt đỉnh tốt nhất trong thập niên 30 của cuộc đời, sau đó quá trình mất xương sẽ nhanh hơn sự tạo xương dẫn đến thiếu xương và nặng hơn là loãng xương; như vậy loãng xương là một bệnh lý chuyển hóa xương chỉ tình trạng giảm khối lượng xương và vi cấu trúc của mô xương bị hủy dẫn đến xương bị yếu đi. Yếu tố di truyền chiếm đến 80% biến số quyết định khối lượng xương đạt được tại thời kỳ sung mãn nhất này, những ai không đạt đến mật độ xương tốt vào khoảng tuổi 30 – do dinh dưỡng và hoạt động thể lực trong thời thanh thiếu niên – là lý do góp phần gây loãng xương sớm ở tuổi trẻ hơn 50.

Bệnh thường bị bỏ qua và không điều trị, lý do chính vì bệnh nhân không có triệu chứng gì cho đến khi gãy xương xảy ra. Dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện khác nhau tùy vị trí xương gãy. Gãy cổ xương đùi dẫn đến thương tật và đau mạn tính, mất khả năng sống độc lập và giảm chất lượng cuộc sống, tăng nguy cơ tử vong. Tuy gãy cổ xương đùi gặp ở nữ nhiều hơn, có đến 1/3 bệnh nhân nam tử vong trong vòng 1 năm sau khi bị gãy cổ xương đùi nhưng lại có đến hơn 50% bệnh nhân không được điều trị loãng xương sau gãy xương có liên quan đến loãng xương và điều này sẽ dẫn đến nguy cơ gãy cổ xương đùi sau này trong đời họ. Lưu ý rằng có đến 2/3 trường hợp gãy đốt sống là không đau mà chỉ biểu hiện gù và giảm chiều cao.

Khuyến cáo rộng rãi hiện nay tại Mỹ và Canada rằng tất cả phụ nữ ≥65 và nam ≥70 tuổi cần được tầm soát loãng xương bằng cách đo mật độ xương (BMD); tất nhiên những người có yếu tố nguy cơ khác dẫn đến giảm khối lượng xương cần được theo dõi ở tuổi trẻ hơn dù nhìn chung thì người bình thường trẻ hơn 50 tuổi không có yếu tố nguy cơ (dùng corticoides >3 tháng; BMI <18.5; viêm khớp dạng thấp; đã bị gãy xương lúc trẻ hơn 50 tuổi; mãn kinh sớm không điều trị…) chưa nhất thiết phải lo lắng về nguy cơ loãng xương. Hướng dẫn có thay đổi ít nhiều giữa các Hiệp hội y khoa các nước, tuy vậy điểm chung khá thống nhất được nêu như trên.

Bệnh loãng xương thường không có triệu chứng gì cho đến khi gãy xương xảy ra

Để chẩn đoán xác định, kỹ thuật đo mật độ xương phải là DXA (dual-energy x-ray absorptiometry), đo tại cột sống thắt lưng và cổ xương đùi. Đo lại BMD sau điều trị 1-2 năm. Việc đo lại đối với trường hợp không điều trị có thể cách nhau 2-5 năm.

Chỉ định điều trị bằng thuốc cho tất cả những ai có T-scores <-2.5; Khi T-scores nằm trong khoảng (-1 đến <2.5) thì việc điều trị bằng thuốc nên được phối hợp thêm các yếu tố khác để quyết định.

Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa T-scores bình thường khi nằm trong khoảng ± 1 độ lệch chuẩn mật độ xương trung bình của người lớn khỏe mạnh. Những giá trị xa hơn khoảng trung bình này được phân loại như sau:

  • T scores -1 đến -2.5: Thiếu xương;
  • T-scores <2.5: Loãng xương;
  • T-scores <2.5 và gãy xương: Loãng xương trầm trọng.

Cứ mỗi độ lệch chuẩn giảm xuống ứng với tăng nguy cơ gãy xương lên 1.5-3 lần.

BMD có độ đặc hiệu cao nhưng kém nhạy nói lên sự cần thiết kết hợp với những yếu tố lâm sàng trong chẩn đoán. Test tầm soát này hầu như vô hại, chỉ là chi phí cơ hội (thời gian và phí xét nghiệm) so với hiệu quả của điều trị mang lại.

Điều trị sẽ làm giảm gánh nặng hiện tại và cả tương lai trên nhóm bệnh nhân lớn tuổi này. Nhóm Biphosphonates thường được chọn như:

  • Zoledronic acid (Aclasta): khá thuận tiện nhờ việc chỉ cần dùng liều duy nhất 5mg mỗi năm 1 lần qua đường tĩnh mạch trong thời gian 3-5 năm tùy hiệu quả điều trị;
  • Alendronate (Fosamax): Dùng đường uống mỗi tuần 1 viên với lưu ý phải uống nhiều nước và không được nằm ít nhất là 30 phút sau dùng thuốc... Thời gian dùng tối ưu chưa xác định và tùy kết quả điều trị;
  • Các thuốc nhóm khác như Denoxumab; hormone cận giáp, Raloxifene…

Lựa chọn phương án điều trị là một quyết định nên trao đổi giữa bệnh nhân và bác sỹ. Hiệu quả rõ sau điều trị 18-24 tháng.

Việc dự phòng loãng xương tác động không chỉ đến lợi ích sức khỏe bệnh nhân mà còn chi phí y tế toàn xã hội bao gồm 2 việc: Dùng thuốc như trên và điều chỉnh hành vi: bổ sung đủ vitamin D và calcium, thể dục, ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia và dự phòng té ngã.

Dr Huy Thiên

 

 

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN