HELICOBACTER PYLORI: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT

HELICOBACTER PYLORI: NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT
1. Helicobacter pylori (Hp) là gì?

Là một loại vi khuẩn gây nhiễm bệnh cho người và sống tại dạ dày và tá tràng. Chúng có thể gây viêm, đau, gây bệnh loét tá tràng hay viêm dạ dày mạn, ngay cả là nguyên nhân của ung thư dạ dày. Trước khi phát hiện ra Hp vào năm 1982 người ta vẫn cho rằng bệnh lý dạ dày tá tràng là do stress, do dùng nhiều thức ăn cay, thuốc lá…chỉ khi phát hiện Hp mới biết vi khuẩn này chiếm ≥50% nguyên nhân gây bệnh chính.

Về dịch tễ học, tỷ lệ nhiễm Hp khác nhau tại mỗi nước, những nước càng phát triển, ý thức vệ sinh của người dân càng cao thì tỷ lệ nhiễm Hp càng thấp; Việt Nam được xếp vào nhóm có tỷ lệ nhiễm Hp cao, # 50%.

Con người nhiễm Hp qua đường tiêu hóa, nước uống hay thức ăn bị nhiễm, tiếp xúc miệng khi hôn nhau, thói quen dùng chung chén nước chấm hay đổi nhau ly bia của người Việt mang nhiều nguy cơ lây bệnh. Đa số nhiễm bệnh từ khi còn nhỏ và càng lớn thì tỷ lệ nhiễm sẽ càng tăng.

Tuy tỷ lệ nhiễm cao nhưng đa số không có triệu chứng gì và do vậy không cần can thiệp; chỉ một số rất thấp có biểu hiện bệnh và đó là triệu chứng của loét tá tràng hay viêm dạ dày: đau bụng âm ĩ, kéo dài; thường xảy ra vào 2-3 giờ sau ăn, lặp đi lặp lại 3-4 ngày hay hàng tuần, có thể đau lúc giữa đêm hoặc gần sáng khi đã đói bụng, đau giảm sau ăn hoặc sau khi uống vài viên thuốc trị bệnh dạ dày (antacids); cũng có thể bị đầy bụng, mất cảm giác đói, ợ, buồn nôn, sụt cân.

2. Phương pháp chẩn đoán nhiễm Helicobacter pylori

Những triệu chứng trên chỉ cho phép nghi ngờ bị nhiễm Hp, việc xác định chẩn đoán cần dựa vào những xét nghiệm sau đây:

  • Thử máu: Đây là xét nghiệm dùng trong nghiên cứu dịch tễ học nhằm tìm tỷ lệ nhiễm Hp trong một quần thể nào đó. Bản chất là tìm kháng thể kháng Hp nghĩa là test (+) chỉ có ý nghĩa là người bệnh nhiễm Hp nhưng không đủ kết luận rằng hiện vi khuẩn vẫn đang hoạt động hoặc chính việc nhiễm này là nguyên nhân gây bệnh. Không hiểu rõ bản chất sẽ tự gây lo lắng hoặc dùng thuốc điều trị; ngay sau điều trị lại tiếp tục thử máu và lại (+) càng gây căng thẳng hơn. Lý do vì ngay cả khi đã diệt được Hp thì xét nghiệm này vẫn còn (+) có thể đến 18 tháng hay hơn.
  • Cấy phân: Nhằm phát hiện kháng nguyên Hp trong phân; test (+) chứng tỏ nhiễm Hp và đang hoạt động; với độ đặc hiệu 98% và không xâm lấn nên rất đáng sử dụng.
  • Test Urea hơi thở: Là xét nghiệm có độ tin cậy cao giúp chẩn đoán xác định.

Nội soi dạ dày: Được xem là viên đá bắn 2 con chim. Kỹ thuật này vừa giúp đánh giá trực tiếp thương tổn nếu có tại dạ dày vừa có thể lấy mẫu làm xét nghiệm tìm Hp với độ nhạy và đặc hiệu cao.

3. Nên DIỆT khuẩn Hp hay nên NUÔI Hp?

Diệt Hp là điều kiện quyết định đầu tiên và không cần thảo luận trên bệnh nhân có bệnh lý dạ dày nhưng với những bệnh nhân không có triệu chứng vẫn còn là vấn đề. Dù sự liên kết giữa nhiễm Hp có thể làm giảm bệnh lý dị ứng, hen, viêm đại tràng và Barrett thực quản còn cần tiếp tục nghiên cứu, có những quan điểm cho rằng bên cạnh việc tìm phác đồ hiệu quả thì cần phát triển các test không xâm lấn dựa trên PCR, chẳng hạn NGS (Next Generation Sequencing) để phân biệt chủng Hp có độc lực và chỉ diệt những chủng này trên những bệnh nhân >50 tuổi có nguy cơ ung thư dạ dày cao. Nói cách khác, chúng ta vẫn cho phép tồn tại những chủng Hp không có độc lực. Mặt khác, cho dù đã diệt Hp thì vẫn không thể loại trừ nguy cơ tái nhiễm với tần suất 1-2%/người /năm.

Minh họa hình ảnh vi khuẩn Hp trong dạ dày người bệnh

4. Vấn đề điều trị như thế nào?

Có rất nhiều phác đồ điều trị khác nhau và liên tục thay đổi do sự kháng thuốc rất nhanh của vi khuẩn. Vài nguyên tắc khái quát như sau:

  • Một liệu trình điều trị phải kéo dài tối thiểu 8 tuần (loét tá tràng) hoặc 12 tuần (loét dạ dày) và có thể dài hơn;
  • Hai tuần đầu dùng các loại kháng sinh nhằm diệt vi khuẩn và thường phải phối hợp ít nhất 2 kháng sinh; thời gian dùng kháng sinh không nên ngắn hơn 14 ngày do đã có bằng chứng tỷ lệ thành công thấp hơn nếu dùng ngắn ngày hơn. Thời gian còn lại (6-10 tuần) sẽ chỉ duy trì bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI).
  • Việc xét nghiệm đánh giá kết quả chỉ được thực hiện sau khi ngưng thuốc 4 tuần (tối thiểu 2 tuần sau ngưng PPI và không phải bằng test thử máu).

Đối với việc chọn lựa kháng sinh, hợp lý nhất vẫn là theo tỷ lệ kháng thuốc của từng địa phương. Tuy vậy không phải số liệu này luôn có sẵn nên bác sĩ vẫn thường chọn những phác đồ thực nghiệm & tham khảo lược đồ AGA 2021. Vài phối hợp như:

  • LAP: Levofloxacin 500mg + Amox 1g (2 lần/d) + PPI chuẩn 2 lần/d x 14 ngày.
  • PBMT: PPI 2 lần/d + Bismuth #300mg (4 lần/d) + Metronidazol 500mg (3 lần/d) + Tetracycline 500mg (4 lần/d) x 14 ngày.

Cần nhắc lại tình huống thường gặp là vội điều trị diệt Hp khi tình cờ thử máu thấy Hp (+). Nhớ rằng tỷ lệ loét dạ dày tá tràng tại châu Á là #10% và nhiễm Hp là #50%. Vậy cứ 100 người lớn sẽ có 50 người nhiễm Hp nhưng chỉ 10 người bị bệnh lý dạ dày và trong số này chỉ 5 người phải được diệt trừ Hp. Hiểu đúng và tư vấn với thầy thuốc vẫn luôn là thái độ khôn ngoan nhất.  

Dr Huy Thiên

 

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN