SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE Ở TRẺ EM

SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE Ở TRẺ EM

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chính, muỗi hút máu vào ban ngày và sống xung quanh môi trường sống của người (trong nhà, ngoài vườn, trường học,...). 

Virus Dengue có 4 type huyết thanh: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Một người có thể nhiễm virus Dengue 4 lần trong đời.

1. Triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết ở trẻ em

Đặc điểm của sốt xuất huyết Dengue là sốt, xuất huyết và thoát huyết tương, có thể dẫn đến sốc giảm thể tích tuần hoàn, rối loạn đông máu, suy cơ quan, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, ba mẹ cần biết một số biểu hiện sốt xuất huyết Dengue ở trẻ em để phát hiện sớm, đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra biến chứng nghiêm trọng.

Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh khởi phát đột ngột với 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.

  • Giai đoạn sốt

Trẻ sốt cao đột ngột kéo dài 2-7 ngày, thường kèm theo đỏ bừng mặt, ban đỏ da, nhức mỏi toàn thân, đau cơ, đau khớp, đau đầu, đau sau 2 hố mắt, một vài trường hợp có đau họng, xung huyết kết mạc, chán ăn, buồn nôn, nôn. Khó phân biệt sốt xuất huyết Dengue với những bệnh sốt khác ở giai đoạn này. Vì thế, việc theo dõi các dấu hiệu cảnh báo và các biểu hiện lâm sàng khác để phát hiện sớm các thể nặng của bệnh là rất quan trọng. 

Biểu hiện xuất huyết nhẹ như chấm xuất huyết dưới da và xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chảy máu răng), chảy máu âm đạo ở bé gái, chảy máu nơi tiêm, xuất huyết tiêu hóa có thể xảy ra, gan thường to và đau.

Cận lâm sàng sớm nhất là giảm bạch cầu: cảnh báo nhiều khả năng sốt xuất huyết xảy ra.

  • Giai đoạn nguy hiểm

Trẻ thường giảm sốt, khi nhiệt độ giảm 37,5-38°C, thường từ ngày 3-7 của bệnh, tình trạng tăng tính thấm thành mạch song song dung tích hồng cầu tăng là báo hiệu bắt đầu giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn thất thoát huyết tương nặng thường kéo dài thường 24 - 48 giờ.

Giảm bạch cầu tiến triển theo sau là giảm tiểu cầu nhanh chóng (thường < 100.000/mm), ở giai đoạn này nếu không có tình trạng tăng tính thấm thành mạch sẽ cải thiện, trong khi nhóm có tăng tính thấm thành mạch có thể xấu hơn do mất huyết tương. Mức độ thất thoát huyết tương khác nhau ở từng bệnh nhân.

Sốc xảy ra khi thể tích huyết tương bị thoát một cách đáng kể, thường được báo trước bằng dấu hiệu cảnh báo. Nếu sốc kéo dài làm giảm tưới máu kéo dài sẽ dẫn đến suy các cơ quan, toan chuyển hóa và đông máu nội mạch lan tỏa. Điều này dẫn đến xuất huyết trầm trọng và dung tích hồng cầu giảm.

Suy các cơ quan nặng như viêm gan nặng, viêm não hoặc viêm cơ tim hoặc chảy máu trầm trọng có thể xảy ra.

  •  Giai đoạn phục hồi

Tái hấp thu dịch từ gian bào vào nội mạch trong 48-72 giờ. Tổng trạng cải thiện, cảm giác ngon miệng, các triệu chứng tiêu hóa mất đi, huyết động học ổn định kèm tiểu nhiều, một số trường hợp có ban phục hồi là những ban đỏ thường ở chi, ban có thể kèm ngứa, nhịp tim chậm, dung tích hồng cầu ổn định hoặc thấp hơn do tái hấp thu, bạch cầu tăng ngay sau giai đoạn giảm sốt và tiểu cầu tăng sau bạch cầu.

2. Hướng dẫn điều trị ngoại trú:

  • Nghỉ ngơi
  • Khuyến khích uống nước, sữa, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh), dung dịch ORS, …Tránh uống dung dịch có màu đỏ hay màu nâu như xá xị để theo dõi chính xác tình trạng xuất huyết nếu có.
  • Điều trị sốt:

         - Dùng paracetamol nếu sốt trên 38,5°C với liều 10-15 mg/kg/lần, cách mỗi 4-6 giờ nếu còn sốt.

         - Lau mát bằng nước ấm .

        - Không dùng ibuprofen và aspirin vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Thuốc có chứa steroid có thể gây xuất huyết tiêu hóa, tăng đường huyết, gây ức chế miễn dịch.

* Khám lại ngay nếu có dấu hiệu cảnh báo hay bệnh nhân nặng hơn:

  • Không uống được, mệt nhiều
  • Nôn nhiều trên 3 lần trong 1 giờ, hay 4 lần trong 6 giờ
  • Đau bụng nhiều
  • Tiểu ít
  • Tay chân tím lạnh ẩm
  • Bứt rứt, li bì, rối loạn tri giác hay co giật
  • Xuất huyết: chảy máu răng, mũi, lợi, nôn ra máu, đi ngoài ra máu, xuất huyết âm đạo hoặc tiểu máu.
  • Khó thở

3. Các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết:

  • Loại bỏ môi trường đẻ trứng và các giai đoạn ấu trùng phát triển trong nước bằng cách loại bỏ nước trong các chai lọ, gáo dừa,... trong các vật dụng chứa nước trong nhà và xung quanh nhà.
  • Thường xuyên làm sạch các vật dụng chứa nước, tránh nước đọng; nếu phải dự trữ nước trong các vật dụng như thùng phi,... phải có nắp đậy lại.
  • Diệt muỗi trưởng thành bằng thuốc diệt muỗi nhằm kiểm soát khi có dịch.
  • Tránh bị muỗi đốt : ngủ màng, mang áo quần dài tay.

 

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN