PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

PHÁT HIỆN VÀ ĐIỀU TRỊ VÀNG DA Ở TRẺ SƠ SINH

Vàng da tình trạng hay gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do nồng độ bilirubin gián tiếp trong máu tăng cao. Đây là chất có màu vàng được tạo ra khi tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Hiện tượng này xảy ra phổ biến ở giai đoạn sơ sinh vì trẻ có số lượng tế bào hồng cầu cao, lại thường xuyên bị phá vỡ để thay thế bằng hồng cầu trưởng thành. Trong khi đó, gan của trẻ sơ sinh lại chưa đủ khả năng để đào thải hết bilirubin ra khỏi máu, gây nên vàng da.

Đa số các trường hợp vàng da thường nhẹ, tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên một số trường hợp, vàng da có thể diễn tiến nặng, để lại di chứng do tổn thương não không hồi phục nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Hơn 3/4 trường hợp vàng da tăng bilirubin gián tiếp là vàng da sinh lý. Vàng da sinh lý thường xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi, đạt đỉnh vào ngày thứ 4 - 5, sau đó giảm dần và thường kết thúc trong vòng 2 tuần đối với trẻ đủ tháng và không quá 3 tuần ở trẻ non tháng. Trẻ vàng da nhẹ ở mặt, ngực, và vùng bụng trên rốn. Không kèm các triệu chứng bất thường khác. Trẻ vẫn khỏe, bú tốt.

Ngược lại, vàng da bệnh lý thường xuất hiện sớm trong vòng 1 - 2 ngày sau sinh, hoặc vàng da quá rốn với trẻ > 35 tuần, vàng da tăng nhanh mỗi ngày, vàng da nhiều tới cánh tay, cẳng chân, bàn tay, bàn chân, hoặc vàng da kèm theo các bệnh lý khác: sốt, sinh non, nhiễm trùng, sinh ngạt, đa hồng cầu, sang chấn sản khoa, bất đồng nhóm máu mẹ - con. Xét nghiệm bilirubin trong máu tăng cao vượt ngưỡng phải can thiệp.

Trong một số trường hợp, lượng bilirubin gián tiếp trong máu tăng quá cao, vượt qua hàng rào máu não, ngấm vào các nhân xám ở não, gây ra bệnh não cấp tính do bilirubin và vàng da nhân. Trẻ có thể bị hôn mê, co giật, thậm chí tử vong hoặc để lại di chứng về tâm thần - vận động vĩnh viễn.

Bệnh não cấp do bilirubin - độc tính trên não do bilirubin xảy ra trong tuần đầu tiên với các triệu chứng như bú kém, bỏ bú, li bì, khóc thét, mất xạ bú, gồng ưỡn người, co giật…

Vàng da nhân - độc tính trên não của bilirubin gây ra các thương tổn không hồi phục như bại não, yếu liệt chi, nghe kém…

Trong khi vàng da sinh lý ở trẻ sơ sinh sẽ tự khỏi sau khoảng 2 tuần, thì vàng da bệnh lý cần được bác sĩ chuyên khoa đánh giá và điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau (chiếu đèn, thay máu) tùy vào mức độ nặng.

Phơi nắng không phải là phương pháp điều trị vàng da. Hiệp hội Nhi khoa Mỹ “không khuyến cáo” cho trẻ phơi nắng để giảm vàng da. Trẻ vàng da bệnh lý cần phải được khám và điều trị tại bệnh viện.

Đối với các trẻ sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, các bác sĩ chuyên khoa Nhi sẽ thăm khám bé hàng ngày, giúp phát hiện sớm những trường hợp vàng da bệnh lý. Những trẻ này sẽ được đánh giá lâm sàng, khai thác các yếu tố nguy cơ vàng da nặng, chỉ định xét nghiệm và điều trị bằng phương pháp chiếu đèn, cũng như có kế hoạch chăm sóc, theo dõi toàn diện. Trẻ vàng da nặng được chiếu đèn tích cực với hệ thống đèn 2 mặt giúp tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là biện pháp quan trọng hàng đầu để dự phòng vàng da nhân não.

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN