Viêm phổi là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Việc phát hiện sớm và điều trị đúng có thể giúp tránh những biến chứng nguy hiểm do viêm phổi gây ra.
Cách phát hiện sớm trẻ bị viêm phổi
Thở nhanh là triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi, sớm hơn cả các dấu hiệu có được khi nghe phổi bằng ống nghe hoặc chụp X-quang.
Thở nhanh:
- < 2 tháng: >= 60 lần/phút
- 2 - < 12 tháng: >= 50 lần/phút
- 1-5 tuổi: >= 40 lần/phút
- < 5 tuổi: >= 30 lần/phút
Khi đó trẻ đã có triệu chứng viêm phổi, cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị ngay.
Dấu hiệu trẻ viêm phổi nặng
Khi trẻ viêm phổi có kèm theo ít nhất 1 trong các dấu hiệu sau:
Dấu hiệu toàn thân nặng
- Bỏ bú hoặc không uống được
- Rối loạn tri giác: lơ mơ hoặc hôn mê
- Co giật
Dấu hiệu suy hô hấp nặng
- Thở rên
- Rút lõm lồng ngực nặng (Nghĩa là khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường).
- Tím tái
Viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng tuổi là viêm phổi nặng
Đây là các dấu hiệu cho biết có thể trẻ đang trong tình trạng nguy kịch, đe dọa tính mạng, cần phải đưa trẻ đi bệnh viện cấp cứu ngay lập tức. Những dấu hiệu này không chỉ có trong bệnh viêm phổi mà còn có thể có trong nhiều loại bệnh nặng khác cũng cần được cấp cứu kịp thời.
Cách chăm sóc trẻ viêm phổi tại nhà
- Cho trẻ uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẻ đã tốt hơn.
- Điều trị các triệu chứng kèm theo
+ Sốt: cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần khi sốt >= 38.5C, cách mỗi 4-6 giờ nếu còn sốt, cởi bớt quần áo, lau mát,...
+ Ho: ho là phản xạ có lợi để tống đàm ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng. Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc ho để ức chế phản xạ có lợi này của trẻ. Có thể dùng các loại siro thảo dược theo hướng dẫn của bác sĩ.
+ Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý nếu trẻ nghẹt mũi, sổ mũi.
- Dinh dưỡng
+ Tăng cường cho trẻ bú, ăn đủ chất, không kiêng ăn.
+ Cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho bú. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ bị viêm phổi cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, giảm ho và tránh mất nước.
- Tái khám
+ Tái khám theo hẹn: trẻ cần được tái khám sau 2 ngày để đánh giá đáp ứng điều trị.
+ Khám lại ngay: khi trẻ có 1 trong các dấu hiệu sau: khó thở hơn (thở nhanh hơn, thở rút lõm lồng ngực), không uống được nước, mệt hơn, ngủ li bì/ khó đánh thức hoặc vẫn sốt dai dẳng. Đây là những dấu hiệu cho biết bệnh đã trở nặng, cần nhập viện ngay.
Phòng ngừa viêm phổi
- Bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp giảm tỷ lệ viêm phổi trẻ em.
- Tránh khói bụi, khói thuốc lá, vệ sinh nhà cửa, môi trường sạch sẽ.
- Chủng ngừa HIB và phế cầu.
- Dinh dưỡng tốt, tránh suy dinh dưỡng
- Cho trẻ uống Vitamin A theo khuyến cáo
- Giữ ấm khi thời tiết chuyển lạnh.
- Rửa tay thường xuyên.
ThS.BS Đặng Mỹ Duyên - Bác sĩ chuyên khoa Nhi