HEN PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM

HEN PHẾ QUẢN Ở TRẺ EM

Hen phế quản (suyễn) ở trẻ em là bệnh đường hô hấp do co thắt phế quản và tăng tiết dịch nhầy làm cho trẻ khó thở.

Bệnh là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và môi trường làm cho bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Hen ở trẻ em cần điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

1. Nguyên nhân hen phế quản và các yếu tố nguy cơ 

Hen phế quản ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra hoặc phối hợp giữa nhiều yếu tố nguy cơ. Trong đó, tác nhân dị ứng là nguyên nhân thường gặp nhất, sau đó là một số yếu tố nguy cơ cao về di truyền và môi trường như:

  • Trẻ bị dị ứng các yếu tố thường có trong gia đình: Lông “thú cưng”, chăn lông, phấn hoa… là những yếu tố gây dị ứng thường gặp, dẫn đến “kích hoạt” các cơn hen phế quản. 
  • Tiền sử gia đình: Gia đình có người từng mắc bệnh, dị ứng do di truyền hoặc di truyền.
  • Trẻ bị nhiễm khuẩn: viêm mũi, viêm xoang, viêm họng, viêm amidan, viêm VA…
  • Thể trạng của trẻ khi sinh non, sinh thiếu tháng, nhẹ cân gây ảnh hưởng tới đường hô hấp. 
  • Tiếp xúc với khói thuốc trước hoặc sau khi sinh.
  • Thời tiết thay đổi, trẻ dễ bị cảm, ho lâu ngày mà không được điều trị hiệu quả, dẫn tới hen phế quản

2. Triệu chứng hen suyễn ở trẻ em

Không phải tất cả trẻ em đều có các triệu chứng hen giống nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng bệnh hen phế quản thường gặp ở trẻ em bao gồm:

  • Các cơn ho kéo dài, lâu ngày, ho nhiều về đêm: do đường thở bị thu hẹp khiến trẻ khó thở, thiếu oxy gây ra những cơn ho dài, dai dẳng.
  • Khó thở, thở khò khè: tiếng rít khi thở vào hoặc thở ra.
  • Trẻ có dấu hiệu thở nhanh, thở gấp.
  • Hen phế quản ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ hàng ngày, trẻ mệt mỏi, chán ăn, không muốn hoạt động. 
  • Sức đề kháng kém: khi thay đổi thời tiết hoặc gặp thời tiết lạnh các triệu chứng của bệnh có biểu hiện rõ hơn như sổ mũi, ho, khó thở…

3. Chẩn đoán hen phế quản ở trẻ em như thế nào?

Hen phế quản thường khó chẩn đoán sớm, nhất là ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Bệnhcó thể được chẩn đoán ở trẻ lớn hơn dựa trên tiền sử bệnh, triệu chứng và khám sức khỏe của trẻ cũng như các xét nghiệm liên quan.

4. Biến chứng hen phế quản 

Trẻ bị hen không được phát hiện và điều trị sớm thì trẻ có nguy cơ đối mặt với những biến chứng nguy hiểm như:

  • Xẹp phổi: Đây là một trong những biến chứng khá phổ biến
  • Tràn khí màng phổi, tràn khí trung thất: Do phế nang giãn rộng gây ra mạch máu thưa, nuôi dưỡng kém dẫn đến áp lực trong phế nang tăng. Khi ho mạnh hoặc kéo dài thành phế nang dễ bị bục vỡ.
  • Gây ra tình trạng suy hô hấp: Một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh hen phế quản là khiến trẻ khó thở, tím tái, đôi khi phải dùng máy thở để hỗ trợ. 

Tình trạng ngừng hô hấp ảnh hưởng tổn thương não bộ do suy hô hấp kéo dài khiến trẻ bị thiếu oxy não.

5. Cách phòng ngừa bệnh hen phế quản.

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh và phải chịu đựng các triệu chứng hen phế quản, cần có những biện pháp phòng ngừa kịp thời, hiệu quả. Dưới đây là một số lời khuyên giúp hạn chế lên cơn hen phế quản

  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các loại khói, bụi như: bếp than, bếp củi, khói thuốc lá, thuốc lào. 
  • Không để vật nuôi chó mèo trong nhà, lông/ len trải thảm vì trẻ dễ hít các loại lông sẽ phát sinh ra cơn hen.
  • Cần chú ý các loại thức ăn có thành phần dễ gây dị ứng cho trẻ, đặc biệt chú ý các đồ hải sản như tôm, cua, ghẹ, ốc dễ gây dị ứng và phát sinh cơn hen.
  • Hạn chế trẻ chơi đùa, nghịch ngợm quá sức trong thời gian điều trị dự phòng hen phế quản.
  • Giữ ấm cho trẻ khi mùa lạnh, tắm nước ấm và tắm nhanh. 
  • Theo dõi cân nặng của trẻ để tránh tình trạng trẻ béo phì, tăng cân quá mức – vốn là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc hen phế quản.

6. Điều trị hen phế quản 

Điều trị hen phế quản ở trẻ em cần chú ý đến phân loại từng cấp độ, tình trạng bệnh của trẻ để theo dõi chặt chẽ và có hướng điều trị phù hợp.     

  • Đối với trẻ có cơn hen nhẹ 

Bác sĩ thường dùng khí dung Ventolin 0,05-0,15mg/kg nhắc lại sau 30 phút hoặc cho uống thuốc mở phế quản nhóm , Terbutaline sulphate

  • Đối với trẻ có cơn hen vừa

Bác sĩ sử dụng khí dung kết hợp giữa ventolin làm mở phế quản với thuốc nhóm corticoid dạng phun sương như Fluticason propionate, Budesonide

  • Đối với trẻ có cơn hen nặng 

Sử dụng Oxy qua mặt nạ - Khí dung salbutamol kết hợp với Ipratropium mỗi 20 phút x 3 lần (đánh giá lại sau mỗi lần phun) – Hydrocortison hoặc Methyl prednisolon.

  • Cơn hen trở nặng (hen ác tính)

Trẻ phải nằm cấp cứu

Tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, thở oxy, khí dung hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid, nặng hơn có thể phải đặt nội khí quản và thở bằng máy.

BS CKI. Lưu Văn Quân - Bác sĩ chuyên khoa Nhi

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN