NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRONG THAI KỲ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

NHIỄM TRÙNG ĐƯỜNG TIẾT NIỆU TRONG THAI KỲ VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

1. Nhiễm trùng tiểu trong thai kỳ

Nhiễm trùng đường tiết niệu là vấn đề thường gặp ở phụ nữ mang thai và có thể gây ra những biến chứng trầm trọng cho cả mẹ và thai. Do đó việc phát hiện sớm và điều trị tích cực nhiễm trùng đường tiết niệu ở phụ nữ có thai rất quan trọng.

2. Các thể lâm sàng nhiễm trùng tiểu trên thai kỳ

Khi mang thai, có nhiều sự thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Những thay đổi ở đường tiết niệu cũng như những thay đổi về miễn dịch trong thời kỳ mang thai khiến phụ nữ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu.

  • Nhiễm trùng niệu không triệu chứng
  • Viêm bàng quang
  • Viêm thận – bể thận cấp

Nhiễm trùng đường tiết niệu không triệu chứng là thể thường gặp và không được điều trị trong thai kỳ, nguy cơ viêm thận bể thận cấp rất cao. Nhiễm trùng tiểu có triệu chứng chiếm khoảng 25%..

3. Các yếu tố nguy cơ

  • Tiền sử chẩn đoán nhiễm trùng tiết niệu (30–50% nhiễm trùng tiết niệu sẽ bị tái phát trong vòng 6–12 tháng)
  • Đái tháo đường
  • Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật .
  • Điều kiện kinh tế gia đình và thu nhập hộ gia đình thấp .
  • Một số yếu tố nguy cơ khác bao gồm: Viêm bàng quang thần kinh, trào ngược bàng quang niệu quản, ghép thận, giao hợp ≥ 3 lần/tuần, không vệ sinh bộ phận sinh dục trước và sau giao hợp, không đi tiểu sau giao hợp, rửa bộ phận sinh dục từ sau ra trước, sinh mổ….

4. Sàng lọc và chẩn đoán

  • Nhiễm trùng tiết niệu ở phụ nữ mang thai có nhiều hình thái lâm sàng, kèm theo đó là sự đa dạng trên biểu hiện lâm sàng.
  • Tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cấy nước tiểu (Nước tiểu có vi khuẩn)
  • Phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên được theo dõi chặt chẽ sau khi điều trị vì có đến 1/3 sẽ bị tái phát.
  • Nhiễm trùng niệu không triệu chứng thường gặp trong thai kỳ và mức độ nghiêm trọng tiềm ẩn của viêm bể thận, tất cả phụ nữ mang thai nên được sàng lọc nhiễm trùng niệu không triệu chứng trong lần khám thai đầu tiên.
  • Phụ nữ mang thai nên được sàng lọc vi khuẩn niệu bằng cấy nước tiểu ít nhất một lần trong thời kỳ đầu mang thai và nên được điều trị nếu kết quả dương tính.
  • Nên kiểm tra định kỳ vi khuẩn niệu tái phát sau khi điều trị.

*Lưu ý khi lấy mẫu nước tiểu

  • Bệnh nhân uống quá nhiều nước có thể bài tiết nước tiểu loãng khiến một số thông số được đánh giá kém chính xác hơn. 
  • Tiểu máu, nước tiểu lẫn máu có thể gây nhiễm bẩn mẫu, đặc biệt khi mẫu bệnh phẩm được lấy từ bệnh nhân chuyển dạ hoặc bệnh nhân sau sinh. 
  • Ở phụ nữ mang thai lấy mẫu phân tích nước tiểu khó khăn hơn, đặc biệt là ở ba tháng cuối thai kỳ.
  • Trong 15% trường hợp, cấy nước tiểu âm tính mặc dù số lượng bạch cầu tăng cao trong xét nghiệm nước tiểu .

5. Điều trị

  • Với việc sử dụng kháng sinh, bệnh nhân có thể biểu hiện tình trạng ban đầu xấu đi do giải phóng nội độc tố.
  • Hầu hết bệnh nhân đều cải thiện trong vòng 72 giờ.
  • Sau 2 đến 4 tuần khi kết thúc điều trị, nên cấy nước tiểu để đảm bảo rằng không xảy ra tái nhiễm.

6. Phòng ngừa nhiễm khuẩn tiết niệu khi mang thai

Như vậy, nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai đa phần không có triệu chứng hoặc có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm thận - bể thận. Thai phụ cần biết những biện pháp có thể phòng mắc bệnh như:

  • Không nhịn tiểu, cần đi tiểu ngay khi buồn tiểu, hoặc chú ý đi tiểu thường xuyên.
  • Hạn chế rửa nước sau khi đi tiểu, không thụt rửa nước vào âm đạo cũng như xịt rửa nhiều vùng âm hộ ngoài, lỗ niệu đạo.
  • Vệ sinh đúng cách cần lau từ trước ra sau để tránh nhiễm khuẩn từ hậu môn.

Khám thai định kỳ, xét nghiệm nước tiểu đầy đủ mỗi lần khám thai

  • Khi có biểu hiện viêm phụ khoa cần khám và điều trị kịp thời tránh để lây sang đường tiết niệu.
  • Tăng cường bổ sung vitamin, hoa quả tươi giúp tăng sức đề kháng và miễn dịch. Uống đủ nước 2 - 2,5 lít nước/ngày để tốt cho tuần hoàn mẹ con và giúp hạn chế viêm tiết niệu khi mang thai.

Nhiễm trùng tiết niệu khi mang thai là bệnh lý mà nhiều mẹ bầu mắc phải, có thể gây biến chứng, thậm chí có thể gây sinh non, sảy thai… Vì vậy ngoài chú ý các biện pháp phòng ngừa trên, các mẹ bầu cũng nên quan tâm đến những biểu hiệu của cơ thể để kịp thời thăm khám và điều trị.

BS CKI. Bùi Thị Ánh Dung - Bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN