1. Đại cương
- Tiền sản giật (TSG) là rối loạn chức năng nhiều cơ quan liên quan đến thai nghén đặc trưng với sự xuất hiện triệu chứng tăng huyết áp và protein niệu hoặc các triệu chứng lâm sàng liên quan đến tổn thương nhiều cơ quan do ảnh hưởng của tiền sản giật
- Sản giật (SG) là sự xuất hiện những cơn co cứng - co giật khu trú hoặc toàn thân có hoặc không kèm theo hôn mê xảy ra trên những bệnh nhân có triệu chứng của tiền sản giật sau khi đã loại trừ cơn co giật do các nguyên nhân khác. Sản giật là một biến chứng nặng của tiền sản giật, có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc thời kỳ hậu sản.
- Tiền sản giật là bệnh lý có nhiều biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ, tử vong chu sinh trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của tiền sản giật - sản giật còn kéo dài sau sinh, liên quan đến các lần sinh tiếp theo và là yếu tố nguy cơ của các bệnh lý tim mạch về sau.
2. Mục đích sàng lọc và dự phòng tiền sản giật
Thông qua sàng lọc và điều trị dự phòng để hạn chế xuất hiện tiền sản giật, ngăn chặn tiến triển nặng và các biến chứng tiền sản giật và sản giật.
3. Các mô hình sàng lọc tiền sản giật
Sàng lọc theo mô hình kết hợp
Tại Khoa Phụ Sản - Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, chúng tôi tiến hành tầm soát sớm và điều trị dự phòng bệnh lý tiền sản giật ở quý I với tuổi thai từ 11 đến 13 tuần 6 ngày (tính theo chiều dài đầu mông từ 45 – 84 mm), với mô hình phối hợp nhiều yếu tố:
- Các đặc điểm mẹ: tuổi, BMI, tiền căn bệnh lý.
- Đặc điểm thai: tuổi thai, số lượng thai…
- Huyết áp động mạch
- Siêu âm chỉ số xung động mạch tử cung (PI)
- Các chất chỉ điểm sinh hóa: PAPP-A được sử dụng là chất chỉ điểm trong sàng lọc tiền sản giật.
Xác định nguy cơ tiền sản giật dựa vào phối hợp các yếu tố trên bằng thuật toán tính nguy cơ của Hiệp hội Y học bào thai – FMF, chỉ định điều trị dự phòng tiền sản giật nếu chỉ số nguy cơ tiền sản giật non tháng (<37tuần) ≥ 1/100.
Sàng lọc dựa vào yếu tố nguy cơ của thai phụ
- Yếu tố nguy cơ cao: Tiền sử tiền sản giật (đặc biệt khi tiền sản giật có biến chứng nặng), đa thai, tăng huyết áp mạn, đái tháo đường type 1 hoặc type 2, bệnh thận, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng kháng phospholipid...)
- Yếu tố nguy cơ trung bình: Thai con so, béo phì (BMI >30kg/m2), tiền sử gia đình tiền sản giật (mẹ hoặc chị em), mẹ trên 35 tuổi, đặc điểm xã hội (điều kiện kinh tế xã hội thấp), tiền sử mang thai nhẹ cân, kết quả thai kỳ bất lợi, khoảng cách giữa 2 lần mang thai trên 10 năm.
Chỉ định điều trị dự phòng tiền sản giật khi thai phụ có trên 1 yếu tố nguy cơ cao hoặc có trên 2 yếu tố nguy cơ trung bình.
4. Điều trị dự phòng tiền sản giật
- Aspirin liều thấp, 81 - 150mg/uống buổi tối, bắt đầu từ tuần thứ 11 - 13+6 tuần cho đến 36 tuần tuổi thai, tối thiểu liệu trình phải đạt đến 28 tuần tuổi thai. Cân nhắc liều lượng dựa theo trọng lượng thai phụ để hạn chế tình trạng đề kháng aspirin.
- Bổ sung canxi liều ≥1 gram/ngày: khuyến cáo sử dụng để dự phòng tiền sản giật cho nhóm có chế độ ăn có canxi thấp (<600gram/ngày) hoặc nhóm nguy cơ cao không thể điều trị dự phòng bằng aspirin.
Qua những hiểu biết tương đối về cơ chế bệnh, việc phát hiện sớm, hành động sớm giúp giảm gánh nặng điều trị cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Vì vậy, các mẹ bầu cũng nên quan tâm đến những biểu hiệu của cơ thể để kịp thời thăm khám và điều trị.
BS CKI Bùi Tiến Đỉnh - Bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản