KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG DỰ PHÒNG SINH NON

KHÂU VÒNG CỔ TỬ CUNG DỰ PHÒNG SINH NON

1. Đại cương

Sinh non được định nghĩa là sinh trước tuổi thai 37 tuần. Sinh non cùng với các hậu quả khác của nó là nguyên nhân gây tử vong sơ sinh hàng đầu. Sinh non cũng là một yếu tố quan trọng dẫn đến nguy cơ mắc phải các bệnh lý khác nhau trong tương lai ngắn hạn hoặc dài hạn sau này của trẻ.

Eo tử cung là phần giữa cổ tử cung và thân tử cung. Hở eo tử cung là tình trạng eo tử cung ngắn dần và mở ra trước khi thai đủ lớn để em bé chào đời khỏe mạnh. Hở eo tử cung là một bệnh lý liên quan đến gia tăng nguy cơ chuyển dạ sinh non và sinh non.

Eo tử cung bình thường và hở eo tử cung

Khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật khâu một đường vòng tròn quanh cổ tử cung bằng chỉ to bản để thu hẹp lỗ trong cổ tử cung giúp giảm nguy cơ sẩy thai lớn hoặc sinh non do nguyên nhân hở eo tử cung.

Khâu vòng cổ tử cung theo phương pháp McDonald

2. Chỉ định

Dựa vào tiền sử sản khoa hoặc siêu âm, thai phụ thường được chỉ định khâu vòng cổ tử cung trong các trường hợp sau:

  • Sẩy thai to hoặc sinh non trước 28 tuần ≥ 2 lần liên tiếp với đặc điểm chuyển dạ sinh nhanh mà không gây đau.
  • Có tiền sử sẩy thai hoặc sinh non (từ 14 - 36 tuần) với đặc điểm chuyển dạ sinh nhanh mà không gây đau kèm theo yếu tố nguy cơ của hở eo tử cung (nong nạo buồng tử cung, khoét chóp, cắt đoạn cổ tử cung, rách cổ tử cung, bệnh lý collagen, bất thường ở tử cung hoặc cổ tử cung).
  • Đo chiều dài cổ tử cung qua siêu âm đường âm đạo < 25mm và/hoặc có sự thay đổi cổ tử cung qua thăm khám ở tuổi thai trước 24 tuần kèm theo yếu tố nguy cơ hở eo tử cung.

Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phù hợp tùy vào từng trường hợp cụ thể và tuổi thai tương ứng.

3. Chống chỉ định

Không thực hiện khâu vòng cổ tử cung khi:

  • Có dấu hiệu chuyển dạ sinh non (tử cung có cơn gò).
  • Đang có xuất huyết từ tử cung.
  • Có tình trạng nhiễm trùng ở tử cung, viêm màng ối hoặc viêm âm đạo cấp.
  • Thai nhi có dị tật bẩm sinh nghiêm trọng.
  • Đã vỡ ối hoặc túi ối sa vào âm đạo.

4. Thời điểm thực hiện:

Khâu vòng cổ tử cung được thực hiện khi mang thai từ 14 – 18 tuần, có thể từ 13 đến dưới 20 tuần.

5. Biến chứng

Các biến chứng có thể gặp khi thực hiện khâu vòng cổ tử cung:

  • Chảy máu: thường cầm máu ( trừ trường hợp bị bệnh về máu không phát hiện trước) sau khi chèn gạc từ 3 – 4 giờ.
  • Nhiễm trùng: do thủ thuật tiến hành không vô trùng, hoặc do ổ nhiễm trùng đường sinh dục chưa điều trị ổn định.
  • Gây sẩy thai hoặc đẻ non: do có cơn gò tử cung.
  • Vỡ ối hoặc rỉ ối.
  • Gãy kim, lọt vào trong cổ tử cung.

5. Theo dõi sau khâu vòng cổ tử cung

  • Nghỉ tại giường để theo dõi chảy máu, cơn gò tử cung và tình trạng vỡ ối.
  • Rút gạc sau thủ thuật 4 – 6 giờ.
  • Điều trị kháng sinh uống và chống co tử cung.
  • Thai phụ xuất viện sau 3 ngày.
  • Phải vào viện khi: Có cơn gò tử cung, ra máu âm đạo, vỡ ối.
  • Cắt chỉ khi thai đủ 37 tuần hoặc khi có dấu hiệu chuyển dạ.

Khả năng điều trị thành công phụ thuộc vào việc phát hiện và điều trị kịp thời. Vì vậy, các chị em khi khám thai, đặc biệt là các trường hợp có tiền sử sinh non hoặc sẩy thai lớn cần khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ đã phát hiện và điều trị thành công nhiều trường hợp hở eo tử cung trong thời gian qua, là địa chỉ tin cậy để chị em khám và theo dõi thai kỳ.

BS CKI Hoàng Văn Biển - Bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN