DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT NGOẠI KHOA

DINH DƯỠNG ĐỐI VỚI BỆNH NHÂN PHẪU THUẬT NGOẠI KHOA

Trong các bệnh ngoại khoa, dinh dưỡng đóng một vai trò rất quan trọng, vì bệnh nhân ngoại khoa phải đủ sức vượt qua được cuộc phẫu thuật do mất máu, dịch thể, stress… Để phẫu thuật đạt kết quả tốt, bệnh nhân cần được nuôi dưỡng tốt cả trước và sau phẫu thuật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Ở những bệnh nhân nuôi dưỡng kém trước phẫu thuật có tỉ lệ nhiễm khuẩn tăng, tỉ lệ tử vong tăng và gặp nhiều biến chứng hơn so với những bệnh nhân đuợc nuôi dưỡng tốt. 

Nguyên tắc của dinh dưỡng trong bệnh ngoại khoa

  • Dinh dưỡng trong các bệnh ngoại khoa có thể chia ra 3 thời kỳ: Trước phẫu thuật, chuẩn bị phẫu thuật và sau phẫu thuật
  • Dinh dưỡng thời kỳ trước phẫu thuật: Thời kỳ này dài hay ngắn tuỳ thuộc vào tính chất bệnh cấp cứu hoặc không và phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân. Chế độ ăn cần tăng cường chất dinh dưỡng cho bệnh nhân đủ sức chịu đựng phẫu thuật.
  • Dinh dưỡng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật: đảm bảo giảm bớt cặn bã trong ruột, giảm vi trùng đường ruột nhất là khi phẫu thuật đường tiêu hoá, tránh nôn và chịu đựng được thuốc mê.
  • Dinh dưỡng sau khi phẫu thuật: Thời kỳ này đòi hỏi có chế độ ăn đặc biệt phù hợp với bệnh nhân, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Dinh dưỡng trước khi phẫu thuật:

Mục tiêu của dinh dưỡng trước phẫu thuật là để tăng cường tối đa tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân.

Nguyên tắc chung: Chế độ dinh dưỡng trong thời kỳ này cần đảm bảo:

  • Nhiều protein đây là điểm quan trọng nhất, vì bệnh ngoại khoa thường làm cho cơ thể mất nhiều protein do chảy máu, vết thương, do viêm, do bỏng nặng .
  • Nhiều năng lượng, nhu cầu năng lượng cần phải tăng thêm từ 10- 50 % và đôi khi phải tăng tới 100 % so với bình thường.
  • Nhiều glucid để ngoài cung cấp năng lượng, gluxid còn làm cho gan tích trữ được nhiều glycogen và có tác dụng bảo vệ gan khỏi bị tổn thương do dùng thuốc mê.
  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cao ít nhất 1 tháng đối với bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nặng, có khi phải duy trì hàng 6 tháng hoặc hơn như những trưỡng hợp phải ghép gan…
  • Dinh dưỡng trước phẫu thuật trong một số bệnh đặc biệt:
  • Bệnh đái đường: Đối với bệnh này khi phẫu thuật rất hay có biến chứng. Vì vậy trước khi phẫu thuật phải cho chế độ ăn điều trị bệnh nhằm giảm glucoza máu và giảm tình trạng toan.
  • Bệnh béo phì: Khi béo phì bệnh nhân thường bị bệnh tim, gan, thận đồng thời do lớp mỡ thành bụng quá dày vết mổ thường phải to, vết mổ lâu liền. Do vậy phải cho chế độ ăn điều trị bệnh béo phì trước khi mổ.
  • Trong các trường hợp đặc biệt khác: Tuỳ theo bệnh mà cho chế độ ăn dinh dưỡng phù hợp: Bệnh nhân xuất huyết cần nhiều sắt, bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, vết thương mưng mủ… cần nhiều protein, bệnh nhân dùng nhiều kháng sinh cần bổ xung nhiều vitamin.v.v.

Dinh dưỡng trong thời gian chuẩn bị phẫu thuật:

Thời gian chuẩn bị phẫu thuật thường là một ngày, một đêm ( 24 giờ ), thời gian này không cần phải nhịn ăn, tuy nhiên cần lưu ý như sau :

Ngày trước hôm phẫu thuật: Nên cho ăn nhẹ để không làm mệt bộ máy tiêu hoá, ăn thức ăn mềm, ít chất xơ. Bữa chiều ăn ít hơn bữa trưa.

Sáng hôm phẫu thuật: Bệnh nhân phải nhịn ăn, chỉ cho bệnh nhân uống nước đường hoặc một ít nước lọc.

Dinh dưỡng thời kỳ sau phẫu thuật:

Sau phẫu thuật thường gây ra một số rối loạn cho bệnh nhân, thông thường qua 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu: Là thời gian 1 – 2 ngày ngay sau khi mổ. Đây là giai đoạn tăng nhiệt độ cơ thể, liệt cơ do ảnh hưởng của thuốc gây mê dẫn đến liệt ruột, chướng hơi, bệnh nhân mệt mỏi. Chuyển hoá mất nhiều nitơ, cân bằng nitơ âm tính, mất nhiều kali, vì thế cũng làm tăng thêm sự liệt ruột, chướng hơi.
  • Giai đoạn giữa: Từ ngày thứ 3 – 5 sau mổ. Thông thường đến giai đoạn này nhu động ruột đã trở lại, bệnh nhân đã có thể trung tiện. Bệnh nhân tỉnh táo hơn, có cảm giác đói nhưng vẫn chán ăn. Bài tiết nitơ giảm đi, cân bằng nitơ trở lại bình thường. Bài tiết kali cũng giảm.
  • Giai đoạn hồi phục: Đến giai đoạn này bệnh nhân đại tiểu tiện bình thường, kali máu dần trở lại bình thường. Vết mổ đã liền. Bệnh nhân biết đói, có thể ăn tăng để phục hồi dinh dưỡng nhanh.

Chế độ dinh dưỡng

Giai đoạn đầu :

Giai đoạn này bệnh nhân chưa ăn được. Chủ yếu bù nước và điện giải, cung cấp glucid đảm bảo đủ lượng calo cần thiết cho nuôi dưỡng cơ thể, làm giảm giáng hoá protein. Có thể truyền tĩnh mạch các loại dịch glucoza 5%, glucoza 30%, NaCl 90/ oo, KCl 1 hoặc 2 ống. Cho uống rất ít, nếu bệnh nhân bị chưóng bụng thì không nên cho uống. Còn những bệnh nhân mổ ngoài hệ tiêu hoá cho uống một ít một ( 50 ml cách nhau 1 giờ ) nước đường nước luộc rau, nước quả. Có thể truyền plasma, máu. Cần xét nghiệm tỷ lệ kali, dự trữ kiềm, NaCl, nitơ máu để chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp.

Giai đoạn giữa (ngày thứ 3 – 5) :

  • Cho ăn tăng dần và giảm dần truyền tĩnh mạch.
  • Khẩu phần tăng dần năng lượng và protein. Bắt đầu từ 500 Kcal và 30 gam protein, sau đó cứ 1 – 2 ngày tăng thêm 250 – 500 Kcal cho đến khi đạt 2000 Kcal/ ngày.
  • Cho ăn sữa. Nên dùng dưới dạng sữa pha nước cháo. Nên dùng sữa bột đã loại bơ, dùng sữa đậu nành. Cho ăn làm nhiều bữa ( 4 – 6 bữa ). Vì bệnh nhân còn đang chán ăn, do vậy cần động viên bệnh nhân ăn – Có thể dùng nước thịt ép khi bệnh nhân không dùng được sữa – Dùng các loại thức ăn có nhiều vitamin B, C, PP như nước cam, chanh
  • Ăn thức ăn mềm hạn chế thức ăn có xơ.

Giai đoạn hồi phục :

  • Giai đoạn này vết mổ đã liền, bệnh nhân đã đỡ. Vì vậy chế độ ăn cung cấp đầy đủ calo và protein để tăng nhanh thể trọng và vết thương mau lành. Đây là chế độ ăn nhiều protein và calo. Protein có thể tới 120 – 150g/ ngày và năng lượng có thể tới 2500 kcal – 3000 kcal/ ngày. Khẩu phần này phải được chia thành nhiều bữa trong ngày (5-6 bữa/ ngày hoặc hơn) Dùng nhiều sữa, trứng, thịt, cá, đậu đỗ để cung cấp chất đạm và các loại hoa quả để tăng vitamin C và vitamin nhóm B.
  • Cần lưu ý rằng việc nuôi dưỡng bằng đường truyền tĩnh mạch lúc đầu là rất cần thiết. Song phải sớm nuôi dưỡng bệnh nhân bằng đường tiêu hoá. Điều này vừa có tác dụng nuôi dưỡng bệnh nhân sinh lý hơn, an toàn hơn, kinh tế hơn vừa có tác dụng kích hoạt cho hệ thống tiêu hoá sớm trở lại bình thường. Dùng chế độ ăn qua ống thông nếu ăn bằng miệng không đủ nhu cầu, sau đó dần cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng. Cho ăn nhiều bữa trong ngày, cho ăn tăng dần lượng protein và calo, không cho ăn quá nhiều một lúc để tránh ỉa chảy.

Theo Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Nha Trang

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN