TỔNG QUAN ĐỤC THỂ THỦY TINH

TỔNG QUAN ĐỤC THỂ THỦY TINH

1. Định nghĩa

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm ở phía bên trong mắt, 2 mặt lồi, trung bình ở người trưởng thành dày 4mm, rộng 9mm. Thể thủy tinh có chức năng như một thấu kính hội tụ, điều tiết để tập trung các tia sáng đi vào võng mạc, tạo hình ảnh sắc nét rõ ràng, như thấu kính của máy ảnh tập trung hình ảnh vào phim.

Đục thể thủy tinh, còn được gọi là cườm đá hoặc cườm khô, là sự mất tính trong suốt của thể thủy tinh.

2. Dịch tễ học

 Đục thể thủy tinh là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tại Việt Nam và trên thế giới. Tại Việt Nam, theo điều tra RAAB thống kê tại 14 tỉnh thành trong cả nước vào năm 2015, có khoảng 28000 người mù lòa, trong đó nguyên nhân do đục thủy tinh thể chiếm 74%.

3. Nguyên nhân đục thể thủy tinh

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến đục thể thủy tinh như quá trình lão hóa tự nhiên (thường trên 50 tuổi), bẩm sinh, do rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, hạ calci máu…), do chấn thương, do nhiễm độc (hút thuốc lá, do rượu, nhiễm sắt, nhiễm đồng…)

Dấu hiệu nhận biết sớm

  • Thị lực giảm: thị lực giảm tỉ lệ thuận với mức độ đục thể thủy tinh. Trẻ nhỏ thường quờ quạng, nếu lớn hơn có thể đo thị lực để xác định mức độ giảm thị lực.
  • Lóa mắt: đục thể thủy tinh bắt đầu thường gây lóa mắt với ánh sáng, gây khó chịu cho người bệnh. Sự khó chịu này đặc biệt xảy ra ở hình thái đục thể thủy tinh dưới bao sau.
  • Song thị một mắt: bệnh nhân thường thấy bóng mờ song song với hình nhìn được.
  • Giả cận thị: mắt bị đục thể thuỷ tinh ban đầu có xu hướng cận thị hoá, do vậy khả năng nhìn gần của mắt tốt lên, nhưng sau đó thị lực nhìn gần và nhìn xa giảm.
  • Thường xuyên thay đổi kính đeo mắt: do thủy tinh thể đục làm thay đổi chiết xuất.
  • Lác mắt: một số trường hợp do đục thể thuỷ tinh tại một mắt dẫn tới mắt tổn thương bị nhược thị và lác.

3. Biến chứng của đục thể thủy tinh

Đục thể thủy tinh không những gây tổn hại thị lực mà còn gây ra các biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

  • Thay đổi khúc xạ: tình trạng khúc xạ không ổn định do chỉ số khúc xạ thể thủy tinh thay đổi liên tục.
  • Glôcôm: biểu hiện với đỏ mắt, đau nhứt mắt, tăng nhãn áp. Nguyên nhân do thể thủy tinh căng phồng, chất thể thủy tinh lắng đọng vùng góc tiền phòng gây nghẽn vùng thoát thủy dịch.
  • Viêm màng bồ đào: biểu hiện với đỏ mắt, đau nhứt mắt, nhìn mờ, phản ứng viêm kéo dài có thể gây hạ nhãn áp và teo nhãn cầu. Tình trạng viêm được giải quyết bằng cách phẫu thuật lấy thể thủy tinh và rửa sạch chất nhân trong tiền phòng.

4. Điều trị đục thể thủy tinh

Cho đến nay, chưa có loại thuốc nào có hiệu quả rõ ràng trong việc làm chậm tiến triển hoặc điều trị được đục thể thủy tinh. Điều trị ngoại khoa phowng pháp duy nhất giải quyết được bệnh và là một trong những vấn đề có tính chất toàn cầu nhằm giảm tỉ lệ mù lòa. Phẫu thuật Phaco là một trong những phương pháp an toàn và hiệu quả trong việc cải thiện thị lực cho người mắc bệnh. Đây là phương pháp dùng năng lượng sóng siêu âm để tán nhuyễn và tách phần thể thủy tinh bị đục thành các mảnh nhỏ, sau đó hút ra ngoài qua một vết mổ rất nhỏ, đồng thời thay vào đó một thể thủy tinh nhân tạo. 

5. Kết luận

Đục thể thủy tinh là bệnh dẫn tới mù lòa và các biến chứng nguy hiểm khác, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hơn nữa, bệnh đang ngày càng trẻ hóa, nếu không có biện pháp phát hiện và hỗ trợ điều trị sớm sẽ gây tổn thất lớn đến nguồn nhân lực của xã hội.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân nên khám sớm và điều trị bệnh kịp thời. Hiện nay phẫu thuật mắt đã có bước cải tiến rất lớn, điều trị hiệu quả, ít xảy ra biến chứng và thời gian phục hồi nhanh.

Hiện tại, phòng khám mắt Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ có đội ngũ nhân viên y tế chuyên khoa mắt, cùng trang thiết bị hiện đại, giúp chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả đục thể thủy tinh cũng như các bệnh lý khác tại mắt.

Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ

 

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN