Tứ chẩn là phương pháp khám bệnh cơ bản của y học cổ truyền gồm: vọng, văn, vấn, thiết. Những kỹ thuật khám này phải được phối hợp, liên hệ chặt chẽ với nhau trong suốt quá trình thực hiện. Trong quá trình thăm khám, thầy thuốc dựa vào các học thuyết cơ bản: âm dương, ngũ hành, tạng phủ, kinh lạc, dinh vệ khí huyết …. đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
1. Vọng
Là phương pháp nhìn mà phát hiện chứng trạng, nhận định sự biến hóa của bệnh. Phương pháp này trước tiên là xem xét “Thần”, “Sắc”, “ Hình”, “Thái” của người bệnh, sau đó là quan sát, xem xét chi tiết hơn đến những bộ phận cụ thể như đầu, ngực, bụng, chân tay, rêu lưỡi…
Thần thái sắc mặt sẽ phản ảnh rõ tổn thương của lục tạng
2. Văn
Phương pháp này gồm 2 phương diện: nghe âm thanh (thính giác) và ngửi mùi vị (khứu giác). Thầy thuốc sẽ chú ý đến những tính chất về âm thanh của người bệnh như tiếng thở, tiếng ho, tiếng rên… từ người bệnh.
3. Vấn
Thầy thuốc nói chuyện với người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh về mọi vấn đề liên quan đến người bệnh từ tinh thần, sinh hoạt, ăn uống và tình hình bệnh tật có liên quan nhằm khai thác được tối đa những dữ kiện cần thiết cho việc nhận thức về bệnh: tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình, tiền sử, bệnh sử…để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị cụ thể
4. Thiết
Thiết chẩn gồm mạch chẩn và xúc chẩn. Thầy thuốc dùng tay ấn vào hoặc sờ gõ vào những chỗ nhất định trên cơ thể để chẩn đoán.
Mạch chẩn là phương pháp rất quan trọng và kỳ diệu của Y học cổ truyền. Chỉ xem mạch thôi cũng biết được hoạt động của các tạng phủ , độ nông sâu của bệnh. Ngoài ra còn biết được cả diễn biến bệnh mà từ đó ta có thể tiên lượng bệnh.
Tứ chẩn: vọng, văn, vấn, thiết là phương pháp chính trong khám bệnh của Y học cổ truyền. Tại khoa YHCT-PHCN Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ chúng tôi luôn chú trọng để chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị cụ thể cho từng bệnh nhân mang lại sức khỏe tốt nhất cho mọi người. Ngoài ra chúng tôi còn kết hợp với các phương pháp cận lâm sàng của Y học hiện đại để hỗ trợ trong thăm khám và điều trị. Người bệnh có thể đến để khám và tư vấn điều trị.
Tài liệu tham khảo
1. Bài giảng Y lý cổ truyền chuyên khoa YHCT (1997)- Bộ môn YHCT- Đại học Y Dược thành phố Hồ chí Minh, pp 13-168
2. Bài giảng Y học cổ truyền (1993)- Bộ môn YHCT- Đại học Y khoa Hà Nội, NXB Y học, pp 60-71.
(Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ)