RỐI LỌAN GIẤC NGỦ TỪ CHẨN ĐOÁN ĐẾN ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

RỐI LỌAN GIẤC NGỦ TỪ CHẨN ĐOÁN ĐẾN ĐIỀU TRỊ BẰNG Y HỌC CỔ TRUYỀN

Rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sớm có thể gây ra nhiều hậu quả xấu đến cho người bệnh.

1. Định nghĩa

Rối loạn giấc ngủ là sự thay đổi về số lượng, chất lượng và thời gian của giấc ngủ, loại trừ các trường hợp khó ngủ xảy ra thời gian ngắn do các nguyên nhân bên ngoài như tiếng ồn, chất kích thích… Biểu hiện bằng khó vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc, khó ngủ lại hoặc thức trắng đêm. Có thể đi kèm với mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, căng thẳng, hồi hộp…làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Trong Y học cổ truyền, rối loạn giấc ngủ thuộc về chứng thất miên, bất mị, bất đắc mị.

2. Nguyên nhân

Cơ chế gây bệnh chủ yếu của nó là tâm thần thất dưỡng và tâm thần bất an. Tức là khí huyết không đủ để nuôi dưỡng tâm thần và tà khí làm nhiễu loạn tâm thần dẫn đến mất ngủ.

Y học cổ truyền chia mất ngủ làm hư chứng và thực chứng.

  • Hư chứng là các trường hợp mất ngủ kéo dài, khởi phát từ từ. Do rối loạn chức năng của các tạng Tâm, Can, Tỳ, Thận.

- Tỳ hư chức năng vận hóa kém làm giảm khả năng sinh huyết dẫn đến khí huyết hư, từ đó tâm tỳ lưỡng hư. Bệnh nhân thường mất ngủ, ngủ hay mơ dễ tỉnh giấc, hồi hộp, hay quên, hoa mắt, chóng mặt. Người mệt mỏi, ăn uống kém, đầy bụng, khó tiêu. Sắc mặt nhợt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc dày nhờn, mạch tế nhược.

- Âm hư hỏa vượng, thận âm hư, tâm thận bất giao, âm hư sinh nội nhiệt. Từ đó làm nhiễu động tâm thần gây mất ngủ với các triệu chứng mất ngủ, hồi hộp, hay quên, ù tai, mộng tinh, di tinh ở nam giới. Đau mỏi lưng, gối, lòng bàn chân, bàn tay, ngực nóng, miệng khô, lưỡi đỏ, ít rêu, mạch tế sác .

- Tâm đởm khí hư, đàm trọc nhiễu loạn tâm thần khiến bệnh nhân mất ngủ, ngủ dễ tỉnh giấc, hay mơ, dễ giật mình, kinh sợ. Khí hư khiến bệnh nhân mệt mỏi, thở hụt hơi, nước tiểu trong dài, lưỡi nhợt.

  • Thực chứng là các trường hợp mất ngủ thời gian ngắn, khởi phát đột ngột.

- Đàm nhiệt nội nhiễu, do sự ứ trệ lâu ngày hóa nhiệt, sinh đàm, đàm nhiệt gây nhiễu tâm thần làm bệnh nhân mất ngủ, tâm phiền, miệng đắng, chóng mặt nặng hơn có thể mất ngủ cả đêm. Có thể đi kèm buồn nôn, ợ hơi, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhờn, mạch hoạt sác.

- Can uất hóa hỏa, tức giận nhiều làm tổn thương tạng can, can khí uất kết hóa nhiệt làm nhiễu loạn tâm thần nên bệnh nhân mất ngủ, dễ cáu giận nặng hơn có thể thức trắng đêm. Đau tức ngực, vùng mạng sườn, miệng khát thích uống, đắng miệng, chán ăn. Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu dữ dội, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc vàng khô, mạch huyền sác.

3. Điều trị

Tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Tam Kỳ đã và đang áp dụng cái bài thuốc đông y kết hợp y học hiện đại cùng với các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, dưỡng sinh…điều trị hiệu quả các trường hợp rối loạn giấc ngủ mới và lâu ngày.

  • Các bài thuốc tại khoa đang áp dụng để điều trị rối loạn giấc ngủ :

Thể Tâm tỳ lưỡng hư: (phép trị dưỡng tâm an thần) dùng bài thuốc Quy tỳ thang gia giảm:

Đảng sâm 24g, Bạch truật 12g, Chích thảo 2g, Hoàng kỳ 20g, Đương quy 4g, Phục thần 12g, Táo nhân  12g, Long nhãn 12g, Viễn chí 4g, Mộc hương 2g. Nếu mất ngủ nặng có thể thêm Dạ giao đằng, Bá tử nhân. Nếu tỳ hư vận hóa kém gia Trần bì, bán hạ, Phục linh, Nhục quế.

Thể Âm hư hỏa vương: (phép trị tư âm giáng hỏa, dưỡng tâm an thần) dùng bài thuốc Thiên vương bổ tâm đan: Đảng sâm 10g, Huyền sâm 10g, Bá tử nhân 10g, Ngũ vị tử 8g, Sinh địa 12g, Đương quy 16g, Mạch môn 12g, Đan sâm 16g, Phục linh 12g, Toan táo nhân 10g, Viễn chí 6g, Cát cánh 8g, Thiên môn 12g.

Thể Tam đởm khí hư: (phép trị Ích khí trấn kinh, an thần định chí) dùng bài thuốc An thần định chí hoàn:

Đảng sâm 12g, Phục thần 12g, Long cốt 12g, Phục linh 12g, Thạch xương bồ 8g. Nếu người gầy gò, khí huyêt bất túc có thể dùng bài Quy tỳ thang.

Đàm nhiệt nội nhiễu: (phép trị thanh nhiệt hóa đàm, hòa trung an thần) dùng bài thuốc Ôn đởm thang

Bán hạ chế 12g, Trần bì 12g, Chỉ thực 12g, Phục linh 16g, Cam thảo 4g, Trúc nhự 8g, Đại táo 4 quả. Có thể kết hợp thêm hoàng liên, chi tử để thanh tâm, giáng hỏa. Nếu đại tiện táo gia Đại hoàng

Thể can uất hóa hỏa: (phép trị thanh can, tả nhiệt, an thần) dùng bài thuốc Long đởm tả can thang

Long đởm thảo 8g, Hoàng cầm 8g, Chi tử 8g, Trạch tả 8g, Sa tiền 8g, Mộc thông 8g, Đương quy 8g, Sinh địa 8g, Cam thảo 4g, Sài hồ 8g

  • Các phương pháp không dùng thuốc

Phương pháp châm cứu có thể áp dụng trên các trường hợp rối loạn giấc ngủ ngắn hạn hoặc lâu ngày. Chống chỉ định trên người bệnh máu khó đông, vùng da chảy máu, viêm nhiễm, các bệnh lý nội ngoại khoa cấp tính. Nhờ tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết, kiện tỳ, dưỡng tâm, thúc đẩy sản sinh serotonin nội sinh. Nên châm cứu có tác dụng an thần, giảm căng thẳng, điều trị chứng mất ngủ.

Tại Khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Tam Kỳ các y bác sĩ sẽ áp dụng các phương huyệt, phương pháp châm bổ, tả khác nhau tùy thể bệnh.

Hình ảnh châm cứu và xoa bóp bấm huyệt điều trị rối loạn giấc ngủ tại khoa YHCT - PHCN

Phương pháp châm cứu để điều trị rối loạn giấc ngủ có tác dụng từ từ. Bệnh nhân cần tuân theo lộ trình châm cứu đầy đủ, tránh bỏ giữa chừng khi chưa đạt được kết quả mong muốn.

Ngoài ra còn có các phương pháp xoa bóp bấm huyệt bằng tay, thủy châm, dưỡng sinh…

4. Kết luận:

Rối loạn giấc ngủ là tình trạng mà bất kỳ ai cũng có thể gặp. Nó ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người bệnh nên cần chủ động điều trị sớm. Người bệnh nên đến các cơ sở y tế có uy tín để điều trị .

BS Trần Thị Thu Hà - Khoa YHCT-PHCT

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN