1. Tìm hiểu chung về siêu âm tim
1.1 Siêu âm tim cho thấy điều gì?
Bằng sóng siêu âm, bác sĩ có thể quan sát được cấu trúc tim, đồng thời kiểm tra những bất thường khi tim hoạt động. Cụ thể, cho phép biết được:
- Cách tim hoạt động, co bóp.
- Kích thước và hình dạng tim.
- Kích thước và chuyển động bơm của các thành tim.
- Sức bơm của tim.
- Các van tim hoạt động có bình thường không.
- Van tim có bị hẹp không.
- Có máu trào ngược qua van tim không (hở van).
- Có khối u, khối viêm nhiễm xung quanh van tim, co tim, mạch máu không.
Siêu âm tim giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề gặp phải ở tim mạch.
Như vậy, với những thông tin này, bác sĩ sẽ có thể chẩn đoán các vấn đề gặp phải ở tim mạch như:
- Các vấn đề về các mạch máu lớn vào và ra khỏi tim.
- Các vấn đề về cơ tim, các lớp màng trong và ngoài tim.
- Các bệnh lý van tim
- Các lỗ bất thường giữa các buồng tim
- Cục máu đông trong buồng tim.
1.2 Khi nào bạn cần siêu âm tim
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện siêu âm tim vì nhiều lý do, ví dụ khi phát hiện ra những bất thường về tim mạch qua các xét nghiệm khác, hoặc biểu hiện bệnh tim, hoặc nghe tim bằng ống nghe.
Ngoài ra, nếu bạn có các dấu hiệu bất thường về tim như khó thở, đau ngực thì siêu âm tim là cần thiết.
2. Lời khuyên trước, trong và sau khi siêu âm tim
2.1 Chuẩn bị trước khi siêu âm tim
Với siêu âm tim thông thường, bạn không cần chuẩn bị đặc biệt gì mà có thể ăn, uống và uống thuốc như bình thường. Nếu bạn siêu âm tim gắn sức hay siêu âm qua thực quản thì bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn trong vài giờ. Nếu gặp khó khăn khi nuốt, điều này có thể làm ảnh hưởng tới khả năng siêu âm tim qua thực quản, hãy cho bác sĩ biết điều này.
Việc siêu âm tim qua thực quản sẽ có thể khiến bạn không thể tự lái xe sau đó vì có thể cần uống thuốc an thần, do đó hãy báo người nhà để đưa bạn về.
2.2 Quá trình thực hiện siêu âm tim
Hầu hết các quá trình siêu âm tim đều diễn ra chưa đến 1 giờ, thời gian thực hiện có thể kéo dài hơn hay rút ngắn hơn tùy vào tình trạng của bạn.
Thực hiện siêu âm tim có thể ở phòng khám của bác sĩ hoặc tại bệnh viện. Lúc này, bạn được yêu cầu nằm trên giường, kéo áo từ eo lên để bác sĩ đính các điện cực (là miếng dán) vào cơ thể đồng thời theo dõi điện tim.
Bác sĩ cần giảm ánh sáng trong phòng siêu âm để giúp việc quan sát hình ảnh rõ nét hơn, sau đó bạn sẽ được bôi 1 loại gel đặc biệt trên ngực để tăng khả năng dẫn truyền sóng siêu âm.
Đầu dò được di chuyển qua lại trên ngực để ghi hình ảnh siêu âm tim. Bạn có thể nghe thấy tiếng píu píu, là tiếng máu chảy trong tim mà máy siêu âm ghi lại.
Nếu siêu âm tim qua thực quản, cổ họng bạn sẽ được gây tê bằng ống xịt hoặc gel để đưa đầu dò qua thực quản dễ hơn. Lúc này bạn cũng cần uống thuốc an thần để thư giãn.
2.3 Sau khi siêu âm tim cần làm gì?
Sau khi thực hiện siêu âm tim, nếu không có vấn đề gì xảy ra, bạn sẽ được bác sĩ cho phép tham gia hoạt động thường ngày.
3. Các tác dụng phụ và biến chứng có thể gặp phải khi siêu âm tim
Có thể nói, siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán và kiểm tra tim mạch hiện đại, cho hình ảnh rõ nét. Hơn nữa, siêu âm tim thông thường qua ngực không gây đau, không có biến chứng.
_ __ __
Theo Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn