Bệnh nhân nữ, 65 tuổi, qua một lần thăm khám sức khỏe định kỳ tại Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn Tam Kỳ, kết quả siêu âm và chụp cắt lớp vi tính đã được các bác sĩ chẩn đoán có khối u ác tính ở thành túi mật, gây chít hẹp lòng túi. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ túi mật và được làm kết quả giải phẫu bệnh là Ung thư túi mật (Adenocarcinoma thể ống xâm nhập).
1. Ung thư túi mật là gì?
Ung thư túi mật là ung thư xuất phát từ các tế bào ở túi mật.
Ung thư túi mật có khá nhiều dạng khác nhau; 85% là ung thư tế bào tuyến – adenocarcinoma), 15% còn lại bắt đầu từ các dạng tế bào khác nhau như: tế bào vảy hình thành lớp niêm mạc túi mật (ung thư tế bào vảy), tế bào cơ túi mật (ung thư mô liên kết – sarcoma)…
Nguyên nhân ung thư túi mật hiện nay chưa được biết rõ. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm: sỏi mật, các polyp túi mật với kích thước từ 1cm được cho là yếu tố nguy cơ cao, bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, thường gặp ở nữ giới gấp 2 lần nam giới, bệnh nhân có những bất thường ở ống mật, những người hút thuốc lá và có tiền sử gia đình ung thư túi mật.
2. Triệu chứng của bệnh
Dấu hiệu và triệu chứng ung thư túi mật thường không xuất hiện cho đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Đây cũng là lý do phần lớn khi phát hiện ung thư túi mật, các tế bào đột biến đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể và các hạch bạch huyết xung quanh, dẫn đến tiên lượng ung thư túi mật rất thấp.
Dấu hiệu ung thư túi mật thường gặp bao gồm: đau bụng vùng hạ sườn phải, chướng bụng, sốt, sụt cân, nôn, buồn nôn, vàng da. Lúc này cũng đồng nghĩa với việc, u đã có những ảnh hưởng nhất định và bắt buộc cần tiến hành thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt.
3. Phương pháp chẩn đoán
Bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng để nhận định ban đầu về các triệu chứng thường gặp của bệnh. Các xét nghiệm có thể được thực hiện sau đó bao gồm:
- Xét nghiệm máu nhằm xác định nồng độ của các chất chỉ điểm khối u như CEA, CA 19-9,…
- Siêu âm: là phương tiện khảo sát rất tốt túi mật trong tình trạng sinh lý khi túi mật căng to chứa đầy dịch mật. Siêu âm sẽ đánh giá được các biến đổi bất thường của thành túi mật cũng như khảo sát tốt các yếu tố nguy cơ như sỏi mật, polyp túi mật...
- Chụp cắt lớp vi tính để xác định khối u bên trong thành túi mật, tính chất ngấm thuốc của khối u để định hướng chẩn đoán cũng như đánh giá được di căn nếu có.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp thêm nhiều thông tin với các chuỗi xung giúp phát hiện khối u ở giai đoạn sớm hoặc ngay cả khi u đã xâm nhập vào gan.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) phát hiện các dấu hiệu bất thường nhờ có chất cản quang được tiêm vào. Đây cũng là cách để lấy mẫu tế bào hoặc dịch của người bệnh.
- Sinh thiết tế bào được áp dụng khi các kiểm tra hoặc xét nghiệm trên không đủ căn cứ để khẳng định về ung thư túi mật.
Kết quả giải phẫu bệnh sau mổ
4. Phương pháp điều trị
Ung thư túi mật có thể chữa khỏi khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm bằng cách cắt bỏ túi mật. Tuy nhiên, nếu để bệnh bước sang giai đoạn muộn, khối u xâm lấn đến lớp cơ thì tỷ lệ điều trị khỏi bệnh và sống sau 5 năm khoảng 70 – 85%, khi khối u xâm lấn tới lớp thanh mạc bên ngoài thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm chỉ còn dưới 5%.
Ung thư túi mật là một bệnh lý rất hiếm gặp và tiên lượng rất xấu. Trước đây, ung thư túi mật ít được đề cập đến do thiếu phương tiện phát hiện. Hiện nay nhờ phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính... và đặc biệt với sự phổ biến của phẫu thuật nội soi, ngày càng có nhiều phát hiện bệnh mà trước đó hoàn toàn không có dấu hiệu nào nghi ngờ.
Chính vì thế, người bệnh u túi mật cần thực hiện tốt việc thăm khám định kỳ cũng như tầm soát ung thư đối với các đối tượng có nguy cơ cao để theo dõi tình trạng sức khỏe tốt nhất.
ThS.BS. Nguyễn Lưu Yến Nhi