Hiện nay, nhiều bệnh nhân khi gặp các vấn đề về mắt như đỏ mắt, cộm xốn, ngứa mắt, thậm chí là những vấn đề do thói quen sinh hoạt hàng ngày như sử dụng máy tính và điện thoại nhiều giờ liên tục gây mỏi mắt, đỏ mắt do bụi đường... thường không đi khám tại cơ sở chuyên khoa mà tự ý mua thuốc nhỏ mắt về sử dụng. Các thuốc nhỏ mắt có chứa steroid được bán phổ biến trên thị trường với nhiều tên thương mại khác nhau, có thể mua với giá rẻ và dễ dàng tại hầu hết các nhà thuốc mà không cần kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng chỉ định và có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa, việc làm này có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng ngày càng nặng hơn, thậm chí gây tổn thương mắt vĩnh viễn.
Vậy chúng ta cùng tìm hiểu thuốc nhỏ mắt có chứa steroid là gì, trường hợp nào nên và không nên sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa steroid.
Thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần steroid có tác dụng chống viêm mạnh, ngoài ra còn có tác dụng chống xuất tiết và chống dị ứng. Thuốc được sử dụng trong điều trị các bệnh:
- Viêm mống mắt thể mi, viêm màng bồ đào
- Sau các phẫu thuật hoặc laser tại mắt.
- Viêm kết mạc dị ứng: chỉ nên sử dụng thời gian ngắn trong giai đoạn cấp của bệnh, sau đó giảm liều và ngưng thuốc.
- Viêm củng mạc…
Tác dụng không mong muốn khi dùng thuốc:
- Làm nặng nề thêm tình trạng viêm giác mạc, đặc biệt khi viêm giác mạc do nấm, do virus herpes, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc, thủng giác mạc.
Viêm loét giác mạc do nấm
Viêm giác mạc do herpes
- Tăng nhãn áp: khoảng 1/3 người bị tăng nhãn áp sau khi nhỏ steroid, thường xuất hiện sau 2 – 4 tuần sau khi nhỏ steroid, 3% bệnh nhân bị tăng nhãn áp kéo dài mặc dù đã ngưng steroid. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời có thể dẫn đến glôcôm. Thậm chí mù lòa
Thị trường bị thu hẹp trong bệnh glôcôm
- Đục thủy tinh thể: gây chói mắt, giảm thị lực.
Chống chỉ định:
- Tổn thương giác mạc như trầy biểu mô giác mạc, viêm loét giác mạc.
- Viêm kết mạc nghi do nấm, herpes…
- Chống chỉ định tương đối với các bệnh nhân “đáp ứng với steroid”.
- Tất cả các bệnh nhân sử dụng steroid tại mắt đều cần phải có chỉ định và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa mắt. Khi bệnh thuyên giảm cần giảm dần liều rồi mới ngưng thuốc. Vì steroid gây nhiều biến chứng nghiêm trọng tại mắt, nên bác sĩ cần tìm liều điều trị thấp nhất mạng lại hiệu quả.
BSNT Lê Thị Minh Diệp
*TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Ayres.B.D, Feldman.B.H, (2022), “Steroid Response Glaucoma”, The Wills eye manual 8th, Wolters Kluwer.
- Mukid.F.A, Cape.H.T, Wesberry.J, (2023), “Orcular Manifestations of Corticosteroids”, American Academy of Ophthalmology.
- Salmon.J.S, (2020), “Steroid induced glaucoma”, Kanski’s Clinical Opthalmology, Elsevier, tr.388 – 389.