VIÊM ÂM ĐẠO: TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ

VIÊM ÂM ĐẠO: TRIỆU CHỨNG, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ

Viêm âm đạo là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ với các triệu chứng như tiết dịch âm đạo, ngứa âm hộ và đau bụng dưới hay đau khi giao hợp. Nguyên nhân thường do sự mất cân bằng của vi khuẩn âm đạo hoặc bị nhiễm trùng. Giảm nồng độ estrogen sau mãn kinh và một số rối loạn ở da cũng có thể gây ra viêm âm đạo. Bệnh cũng có thể xảy ra do những hiểu biết sai lầm về cách vệ sinh cá nhân vùng âm đạo (sử dụng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh, các chất khử trùng, tạo mùi…), hay do lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục. Viêm âm đạo làm tăng nguy cơ viêm vùng chậu, mỏm âm đạo sau cắt tử cung, nếu có thai sẽ dễ bị nhiễm trùng ối, ối vỡ non, sinh non hay viêm nội mạc tử cung sau sinh và sau mổ lấy thai.

Tuy là bệnh phổ biến nhưng những kiến thức về bệnh của chị em phụ nữ chưa nhiều và đôi khi chị em còn cố gắng chịu đựng, e ngại không đi khám bệnh dẫn đến bệnh tiến triển và để lại những hậu quả đáng tiếc. Vì vậy mỗi chị em cần có những hiểu biết cơ bản về viêm âm đạo để có những biện pháp phòng bệnh cũng như cách xử lý thích hợp nếu mắc bệnh.

1. Các dấu hiệu nhận biết

  • Thay đổi màu sắc, mùi hoặc lượng dịch tiết ra từ âm đạo: dịch âm đạo màu vàng, hoặc xanh, trắng đục, lợn cợn giống như ván sữa hoặc bả đậu.
  • Ngứa âm hộ hoặc cảm giác nóng rát trong âm đạo.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đi tiểu đau.
  • Chảy máu âm đạo nhẹ hoặc vết.

2. Chẩn đoán viêm âm đoạn như thế nào

  • Tiền sử viêm nhiễm âm đạo: tiền sử nhiễm trùng âm đạo hoặc bệnh lây qua đường tình dục từ đó có thể định hướng được nguyên nhân ở các loại viêm âm đạo hay tái phát.
  • Khám phụ khoa: bác sĩ csử dụng một dụng cụ (mỏ vịt) để quan sát bên trong âm đạo (với phụ nữ đã quan hệ tình dục) để đánh giá tình trạng viêm và tiết dịch bất thường.
  • Lấy dịch âm đạo để làm xét nghiệm: thu thập một mẫu dịch tiết cổ tử cung hoặc âm đạo để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể soi tươi hay cấy để tìm vi khuẩn, nấm... xác đinh nguyên nhân gây viêm âm đạo.

3. Các phương pháp điều trị

Điều trị viêm âm đạo bao gồm điều trị nguyên nhân và điều trị triệu chứng:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Dùng kháng sinh đường uống kết hợp viên đặt âm đạo.
  • Nhiễm trùng nấm men: điều trị chủ yếu bằng thuốc kháng nấm dạng gel, viên đặt âm đạo hay thuốc uống.
  • Viêm âm đạo do Trichomonas: Điều trị bằng metronidazole (Flagyl) hoặc tinidazole (Tindamax).
  • Viêm âm đạo do thiểu dưỡng ở phụ nữ mãn kinh (teo âm đạo): Gel Estrogen bôi âm đạo.
  • Viêm âm đạo không nhiễm trùng: cần xác định chính xác nguồn gốc của sự kích thích và tránh nó. Các nguồn có thể bao gồm xà phòng mới, bột giặt, băng vệ sinh hoặc tampon.

4. Các sai lầm có thể gặp

Những sai lầm sau có thể làm cho chị em phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo tái đi tái lại nhiều lần:

  • Vệ sinh âm hộ, âm đạo không đúng cách hay thói quen thụt rửa âm đạo.
  • Tự đi mua thuốc kháng sinh uống hoặc đặt âm đạo.
  • Thuốc rửa: sẽ làm dịu đi nhưng đó là những hóa chất diệt các vi khuẩn có lợi nên sẽ có triệu chứng ngược trở lại làm cho chúng ta có thêm triệu chứng.
  • Thuốc đặt âm đạo: có thể không phù hợp và có thể phù hợp. Nhưng liệu trình điều trị không đẩy đủ chắc chắn sẽ tái phát trở lại nấm, viêm âm đạo.

5. Sử dụng thuốc đặt âm đạo đúng cách

  • Sau khi Bác sĩ đã kê thuốc đặt để điều trị viêm, đặt biệt với chị em tiền mãn kinh và mãn kinh làm viêm teo nên khó đặt, và có những viên thuốc hình dạng và cách sử dụng khác nhau như có những viên thuốc cần để trong tủ lạnh, những viên cần nhúng nhẹ vào nước trước khi đặt, hay có viên cần đặt liền vào trong âm đạo…. nên các chị em chú ý những tư vấn của bác sỹ để giải quyết vấn đề khó chịu viêm âm đạo mà chị em đang gặp phải.
  • Thời điểm để đặt thuốc là phù hợp nhất: Lúc đi ngủ sẽ đặt thuốc âm đạo sẽ tốt hơn sẽ làm cho viên thuốc sẽ không rơi rớt. Cần đóng băng vệ sinh để dịch âm đạo và thuốc không bị chảy ra ngoài. Trước khi đặt phải rửa vệ sinh.
  • Đa số các khuyến cáo đặt thuốc 1 viên/ lần /ngày.
  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian đặt thuốc, tốt nhất là không nên quan hệ. Nếu chồng hoặc bạn tình có dấu hiệu bất thường ở bộ phận sinh dục thì cần đến bệnh viện khám và điều trị thích hợp.

Bác sĩ chuyên khoa Phụ Sản Bệnh viện Đa Khoa Sài Gòn Tam Kỳ khuyến cáo các chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng – 1 năm để được thăm khám và điều trị kịp thời.

BS CKI Bùi Thị Ánh Dung

Chia sẻ:

NỘI DUNG LIÊN QUAN